
(LĐ, ngày 07/9/2010) - Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia, tỉ lệ người mắc các bệnh liên quan tới nghiện trò chơi trực tuyến trên Internet (game) đang tăng mạnh và ngày càng trẻ hoá.
Đáng lo ngại hơn, có tới 50-70% số người nghiện game có các dấu hiệu về sức khoẻ tâm thần, với các biểu hiện trầm cảm, lo âu, hung hăng. Đặc biệt, trong số này có tới 15% có ý tưởng tự sát.
Game cũng gây nghiện
Theo thống kê của BSCK II Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Tâm thần nam - nghiện chất, Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia - cho thấy, cộng đồng dân nghiện Internet bao gồm: 70% là con nghiện chơi game, 10% là con nghiện chat, 5% lên mạng để đánh bài và 15% còn lại muốn "đánh bóng mình". Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng, game cũng có thể gây nghiện. Cơ chế gây nghiện của game chủ yếu là sự biến đổi cảm xúc sinh học gây đột biến. Điều đáng lo ngại, người nghiện game đa phần tập trung vào giới trẻ. Họ bỏ ăn, ngủ, học hành, suốt ngày đêm miệt mài online. Số người nghiện Internet hiện vẫn không ngừng tăng lên.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, bệnh thường có 4 mức độ, nhẹ là chơi cho vui; chơi từng đợt dẫn tới lạm dụng và trở thành con nghiện; sao nhãng mọi thứ, chỉ chú tâm vào ánh sáng của máy vi tính; tách mình khỏi thế giới bên ngoài, trở thành kẻ tâm thần, tự kỷ... Thực tế, đã có không ít trường hợp bị đột qụy, bị chết trên bàn game vì chơi quá nhiều.
Đồng tình với quan điểm này, TS Trần Thu Hương - khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV - cho biết, trẻ từ 1-3 tuổi đã có thể chơi game. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn trẻ bắt đầu tập nói, tập đi, tập giao tiếp để hình thành nhân cách. Nếu trẻ ít vận động sẽ không có nhận thức rõ, không biết đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. Khi trẻ chạy nhảy, hoạt động nhiều, tư duy phát triển mới có thể giúp trẻ phát triển não bộ, xây dựng mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Trẻ kém giao tiếp sẽ rụt rè, tư duy kém phát triển. Điều này càng thể hiện rõ ở các thành phố lớn khi sân chơi của trẻ chỉ bó hẹp trong nhà, chủ yếu tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi, tư duy chỉ bó hẹp trong những mối quan hệ gia đình.
Trong khi đó, dù ít đồ chơi, nhưng trẻ ở nông thôn thường phát triển hơn về mặt tư duy vì có không gian rộng, trẻ được chơi với các bạn nhiều hơn, trí tưởng tượng kích thích hơn. Ngoài ra, trẻ em ở nông thôn còn có những trò chơi tự tạo như: Đất nặn, thổi sáo, chơi đồ hàng... giúp trẻ em có kỹ năng sống, biết chia sẻ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ ở thành phố thường có xu hướng cao hơn vùng nông thôn.
Chơi game nhiều có thể gây nghiện. Ảnh: H.A. |
Đặc biệt, theo TS Trần Thu Hương, ở lứa tuổi từ 15-18 tuổi, lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm lý, trẻ muốn khẳng định bản thân và có xu hướng tìm kiếm cái mới và cảm giác mạnh. Do vậy, những trò chơi công nghệ thường được các em ưa chuộng. Ở giai đoạn này, nếu dành quá nhiều thời gian cho chơi game thì tác hại rất lớn: Không những các em sao nhãng việc học tập, mà còn bị nghiện game, lười vận động, tìm mọi cách để có tiền chơi game.
Thời gian qua, dư luận nhiều lần chứng kiến cảnh để có tiền chơi, các game thủ không ngần ngại lấy trộm tiền của cha mẹ, người thân, thậm chí họ ra tay giết cả những người ruột thịt để có tiền chơi game. Chẳng hạn như vào năm 2008, người dân huyện Thường Tín, Hà Tây bàng hoàng khi biết thủ phạm vụ bắt cóc tống tiền dẫn đến việc sát hại dã man cháu bé Tuấn Anh (4 tuổi) chính là Nguyễn Đình Cử - kẻ nghiện game nặng (14 tuổi), anh họ của Tuấn Anh.
Để kiếm tiền chơi game, Cử đã bắt cóc cháu Tuấn Anh và yêu cầu bố cháu phải giao 30 triệu đồng, nhưng bố Tuấn Anh chưa kịp giao tiền thì Cử đã ra tay sát hại cháu và giấu trong đống gạch hoang, sau đó vẫn đi chơi game bình thường. Tiếp đó là vụ sát hại dã man cháu bé 3 tuổi ở Đồng Nai vào ngày 7.5.2009. Hung thủ của vụ án là cô học trò Nguyễn Bích Huyền mới 14 tuổi. Do không có tiền chơi game, Huyền đã giết cháu Nguyễn Thị Ngọc Ánh để lấy đôi bông tai, sau đó cho xác cháu Ánh vào túi nilông và nhét vào ngăn tủ.
Điều trị nghiện game: Lâu dài và tốn kém
Việc lạm dụng game đến mức nghiện hoặc quá độ cũng khiến người chơi không kiểm soát được bản thân. Thống kê của BS Nguyễn Văn Dũng cho biết gần đây số lượng đến khám, tư vấn rất đông. Người “bệnh” thuộc rất nhiều lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức. Người nghiện là người không kiểm soát được hành vi của mình, họ thường bị suy nhược, lo lắng, sợ hãi, không muốn giao tiếp với những người khác, hoảng hốt và kích động. Ngoài ra, còn có chứng khó ngủ, tay bị run và tê cứng. Có nhiều trường hợp “nghiện quá độ ” đến mức bỏ học, bỏ công việc, trầm uất, tự tử, thậm chí giết người...
Các chuyên gia đều cho rằng, quá trình điều trị những người bị suy nhược vì nghiện game rất lâu dài và tốn kém, người bệnh được cho uống thuốc ổn định tâm lý kết hợp với các phương pháp trị liệu. Tuy nhiên, ngay sau khi cắt được cơn nghiện game, người bệnh phải thay đổi hẳn môi trường sống, tránh xa máy vi tính và nên tích cực tham gia các hoạt động thể thao, vận động lành mạnh.
Cần tạo ra môi trường cho trẻ có những trò chơi mang tính chất tập thể cùng vận động, cùng vui chơi đó là những trò chơi giúp tăng cường sự vận động của đôi chân, sự khéo léo của đôi tay, sự tinh tường của đôi mắt. Giúp trẻ có tham gia vào những trò chơi có tính chất "động" để khi chơi sẽ kích thích trẻ kết hợp nhiều động tác khác nhau như: Đi, chạy, nhảy, ném... Với trẻ nghiện game, điều trị phải đảm bảo đa trị liệu, có sự kết hợp tích cực của gia đình, thầy cô, bạn bè... Bệnh nhân dễ tái nghiện nếu gia đình không chăm sóc, phòng, chống cẩn thận.
Hà Anh