image Tin từ các báo Thông tin điện tử
Khách hàng chọn mua sách điện tử tại trung tâm thương mại Vincom, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. Khó càng thê
Thứ 5, Ngày 26/07/2012, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Nhưng trong thâm tâm, có lẽ chưa một nhà kinh doanh sách nào thật sự mong muốn thị trường ebook phát triển nhanh chóng tại VN, vì chẳng có gì dễ sao chép hơn là một văn bản điện tử. Trong một đất nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm 81% như VN, với giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền trong năm 2011 lên đến 395 triệu USD (1) và hầu như không có thói quen trả tiền (đúng giá trị thực) cho các sản phẩm trí tuệ, từ âm nhạc, tranh ảnh, phim, sách vở... thì chỉ có những người hết sức mơ mộng mới tin rằng có thể kinh doanh ebook thành công.
src="/documents/10179/CMS-2018-5-19/15267235748655c7920bf-763e-456e-b28a-49ab4948acbd.jpg/677d3712-d29e-49b8-a13f-bcd6b05cc4b6"
Khách hàng chọn mua sách điện tử tại trung tâm
thương mại Vincom, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Khó càng thêm khó
Nhưng trong thâm tâm, có lẽ chưa một nhà kinh doanh sách nào thật sự mong muốn thị trường ebook phát triển nhanh chóng tại VN, vì chẳng có gì dễ sao chép hơn là một văn bản điện tử. Trong một đất nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm 81% như VN, với giá trị thương mại của phần mềm bị vi phạm bản quyền trong năm 2011 lên đến 395 triệu USD (1) và hầu như không có thói quen trả tiền (đúng giá trị thực) cho các sản phẩm trí tuệ, từ âm nhạc, tranh ảnh, phim, sách vở... thì chỉ có những người hết sức mơ mộng mới tin rằng có thể kinh doanh ebook thành công.
Việc Phương Nam mở ra cả một cửa hàng lớn tại một trung tâm thương mại đình đám để bán ebook thật ra lại cho thấy sự thiếu lòng tin của họ vào sự thành công của mảng kinh doanh này. Vì nếu thực tâm muốn bán ebook, chẳng ai đi mở cửa hàng tại các trung tâm thương mại sang trọng với chi phí thuê mặt bằng rất cao. Mặt hàng chủ chốt mà Phương Nam kỳ vọng có lợi nhuận dường như là các thiết bị đọc và phụ kiện đi kèm.
Nhưng việc công ty sách này cố gắng bán thiết bị đọc điện tử có vẻ gì đó giống như một công ty tin học hàng đầu VN đã từng cố gắng đi làm phim. Chưa kể, thương mại điện tử kém phát triển đã khiến việc bán ebook rất nửa vời: khách hàng phải đến cửa hàng của Phương Nam để chép sách và thanh toán tiền, thay vì tải xuống và trả tiền qua thẻ tín dụng như của Amazon. Cả sách của Phương Nam và Reader.vn - nơi đi tiên phong trong lĩnh vực ebook - đều chưa được mã hóa nên việc bảo vệ bản quyền chỉ bằng cách trông chờ lòng tốt của người mua, rằng họ sẽ không phát tán sách tùy tiện.
Cần một chương quản lý nội dung số trong luật xuất bản
Vấn đề sách điện tử và vi phạm bản quyền không chỉ là quốc nạn của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề của quốc tế. Nó sẽ là công cụ hữu ích cho người tốt nhưng cũng sẽ phát tán văn hóa độc hại nếu nằm trong tay kẻ xấu. Đây là bài toán đau đầu cho nhà quản lý và muốn quản lý tốt thì cần sự nhất quán cả về chuyên môn của hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương. Điều này không đơn giản. Chúng tôi đang muốn xây dựng thêm một chương chi tiết về quản lý nội dung số trong Luật xuất bản và sau đó tùy tình hình cụ thể để có hướng dẫn xử lý cụ thể.
Ông CHU VĂN HÒA
(cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin - truyền thông)
Những dự án “hồn nhiên tùy tiện” kiểu chia nhau đánh máy một cuốn sách để tạo ebook chia sẻ miễn phí cho cộng đồng mạng trước đây đang bước sang một giai đoạn còn dễ dàng hơn với các thiết bị quét hình, phần mềm xử lý ảnh và chuyển đổi ảnh qua văn bản. Đương đầu với nó, các nhà sách cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng bước vào thị trường này để “giữ chỗ”, “gửi tên”, cố gắng sống còn chờ đến một tương lai sáng sủa hơn. Và dù có tham gia cung cấp ebook chính thức hay không, thì nhà xuất bản nào cũng đang phải chấp nhận thực tế là sách của họ, nhất là những cuốn bán chạy, sẽ nhanh chóng có phiên bản điện tử trên mạng.
Nhà văn Bích Ngân, phó giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM, cho biết việc phát hành sách văn học bản in hiện nay hết sức khó khăn, nhu cầu thị trường về ebook là “có thực và không làm thì không được”. Tuy vậy, nhà xuất bản này vẫn chưa thể xúc tiến dự án bán ebook trong năm tới vì còn quá nhiều vướng mắc như đầu tư công nghệ, đội ngũ nhân sự và chờ đợi những động thái rõ ràng hơn về bảo vệ bản quyền.
Theo các nhà xuất bản, sách không bản quyền tràn lan trên mạng được cho, tặng, sao chép, mua bán công khai nhưng không thấy động thái nào của cơ quan chức năng. “Ebook là sách và bản quyền ebook cũng như sách in - ông Đồng Phước Vinh, phó giám đốc YBook, khẳng định - Luật bản quyền và liên quan đều có đủ, các cơ quan chức năng ngành thông tin - truyền thông, Cục Sở hữu trí tuệ có thể xử lý và nếu xem việc bán ebook không bản quyền là bán hàng lậu thì lực lượng quản lý thị trường cũng có thể vào cuộc”. Vấn đề duy nhất còn lại là họ có làm việc đó hay không.
Tại Hà Nội, NXB Kim Đồng, một trong những đơn vị có doanh số xuất bản lớn nhất, cho biết họ đang “rục rịch” cho ra đời những “gian hàng” đầu tiên bán ebook. “Mười năm trước, khi các trang báo điện tử phát triển chúng tôi đã nghĩ đến mảng sách này. Mấy năm qua đối tác cũng đề nghị rất nhiều nhưng chúng tôi chưa thể ký hợp đồng nào vì có quá nhiều khó khăn, vướng mắc đủ thứ từ bản quyền đến phát hành” - ông Bùi Tuấn Nghĩa, phó giám đốc NXB Kim Đồng, cho hay.
Ông Trần Việt Anh, phó giám đốc NXB Phụ Nữ, cũng cho biết đã có rất nhiều trang mạng bán ebook đề nghị được mua một số bản sách giấy nhưng NXB này chưa ký kết hợp đồng nào. “Giá trị hợp đồng quá thấp nên nếu trả nhuận bút cho nhà văn thì cũng chẳng đáng bao nhiêu, chính các nhà văn cũng không mặn mà với những hợp đồng này”.
Lối đi nào cho ebook Việt?
Bởi không thể đảo ngược xu hướng phát triển ebook nên vấn đề hiện nay không phải là làm thế nào để ebook phát triển, mà là làm sao để các NXB, hơn hết là các tác giả, thu được lợi nhuận từ đấy và sống sót được trong một rừng rậm chằng chịt những tay ăn cắp bản quyền. Ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, cho biết sẽ “chống sách lậu bằng giá cạnh tranh, sẽ bán mỗi bản ebook với giá cực rẻ, chỉ 5.000-10.000 đồng/bản, thậm chí có thể sẽ bán chỉ 1.000 đồng/bản. Với mức giá đó, sẽ chẳng có ai quan tâm đến ebook lậu nữa”.
Đây quả thực là một giải pháp thú vị, mà không rõ NXB Trẻ sẽ theo đuổi nó được tới đâu, nhưng ebook “lậu” đang có một ưu thế mà các NXB không thể theo được, đó là sự tiện lợi. Để thanh toán dù chỉ 1.000 đồng cho ebook “chính thức”, độc giả cần đăng ký tài khoản, thanh toán trực tuyến... toàn những việc không mấy dễ chịu với người dùng Internet VN, nhất là trong một môi trường thương mại điện tử “dở giăng dở đèn” với quá nhiều quy định phiền nhiễu. Còn để tải ebook “lậu” về thì chỉ cần vài cú bấm chuột.
Nếu các NXB không thể kiếm sống trong thị trường ebook, và phải bất lực chứng kiến các sản phẩm trí tuệ của mình được rao tặng miễn phí trên mạng, thì họ cũng không có nguồn lực cần thiết để đưa ra thị trường các sản phẩm có giá trị.
Trong một môi trường mà các tác giả được trả thù lao còn xa mới xứng đáng, dịch giả cũng được trả rất thấp khiến chất lượng các bản dịch sách ngày càng có vấn đề, những mâu thuẫn ngày càng gia tăng: nhà sách muốn độc giả trả tiền xứng đáng để họ có thể đưa ra thị trường các sản phẩm tốt, độc giả than phiền vì chất lượng sách ngày càng tệ làm họ chỉ muốn đọc ebook miễn phí trước khi quyết định mua.
Có lẽ sẽ cần đến một thời gian đủ dài để hai bên tìm được điểm dung hòa. Nhưng chắc chắn người đọc sẽ không quay lưng với nhà văn, với dịch giả và các NXB, nếu họ thật sự cảm thấy các tác phẩm dù ở dạng ebook hay bản in truyền thống đều có chất lượng xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.
Trong thời gian “quá độ”, thị trường trông đợi một chiến lược can đảm và tích cực của các NXB, bằng việc hi sinh lợi nhuận và cung cấp các bản ebook chất lượng tốt với giá rẻ, tập dần cho khách hàng thói quen mua sách trên mạng bằng các phương tiện thanh toán trực tuyến đúng nghĩa. Về phía độc giả cũng nên có những bước đi thiện chí và văn minh trong việc chi trả đàng hoàng cho các sản phẩm trí tuệ để thị trường ebook nói riêng và thị trường sách nói chung có thể phát triển hài hòa lợi ích nhiều bên.
Giữa các NXB và người đọc ebook, đương nhiên không thể là sự im lặng thoái thác trách nhiệm của các cơ quan quản lý xuất bản. Ebook đã sớm đặt ra những bài toán không dễ giải quyết, đặc biệt là sự tự tung tự tác của nhiều loại ebook có nội dung bạo lực, khiêu dâm, chống phá đất nước mà ai cũng có thể dễ dàng tải xuống. Đương đầu với thực tế không mấy dễ chịu này chắc chắn cần đến những cách tiếp cận theo kiểu khác để quản lý các ấn bản điện tử, vừa đủ cởi mở để ebook phát triển thông thoáng và có lợi vừa kiềm chế những tiêu cực mà nó gây ra, đặc biệt đối với giới trẻ.
Ổ khóa chỉ phòng được người ngay
Hành lang pháp lý cho sách số là một bài toán rất phức tạp. Giờ đây, ý thức về bản quyền số ngày càng được nâng lên nhưng đi vào con đường pháp lý thì vẫn chưa có cơ sở. Muốn nói người đọc không nên đọc sách không bản quyền thì phải có đủ sách có bản quyền để họ lựa chọn.
Tại VN, hiện tại vẫn rất khó xác định tác quyền của một cuốn sách thuộc tác giả hay thuộc NXB. Việc lưu trữ dữ liệu của các NXB không tốt nên sau một thời gian không thể tìm được văn bản xác định quyền tác giả thuộc về bên nào, do vậy khi đi mua sách, công ty sách điện tử không biết được sách của ai để mua cho chính xác. Trong khi đó, ở nước ngoài có những tổ chức (có cả tư nhân) để đăng ký quyền tác giả, qua đó có thể dễ dàng tra cứu sách của ai.
Giới trẻ VN hiện đã tương đối có ý thức về vấn đề môi trường, ở cương vị người làm sách, chúng tôi cũng chỉ mong muốn mỗi cá nhân có ý thức tương tự đối với vấn đề bản quyền. Sử dụng công nghệ để bảo vệ quyền tác giả thì chỉ mang tính tương đối, nếu bán giá cao người ta chắc chắn sẽ bẻ khóa vì ổ khóa chỉ có thể phòng người ngay.
Chính sách, khung pháp lý liên quan tương đối đủ, nhưng thực thi thế nào, ai thực thi mới là vấn đề lớn. Khung hình phạt đối với các vi phạm bản quyền sách cũng phải được tính lại vì phạt hành chính với mức phạt tiền vài triệu đồng thì làm sao đủ sức răn đe? Có luật nhưng không thực thi tốt, không nghiêm minh, không có tính răn đe thì sẽ vẫn có vi phạm.
Ông NGUYỄN TUẤN VIỆT
(Giám đốc Công ty sách điện tử Trẻ - Ybook)
 
Nguồn: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan
ICT
Lượt xem: 816
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin