
ICTnews - Cục Viễn thông khẳng định khi nhà mạng phát hiện đại lý, khách hàng đăng ký thông tin thuê bao trả trước không chính xác phải tiến hành cắt liên lạc đối những thuê bao này theo đúng quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.
Gần đây, trên thị trường xuất hiện hiện tượng đại lý SIM thẻ “phù phép” các loại SIM thường thành SIM được nhà mạng cho hưởng ưu đãi như gói cước học sinh, sinh viên... để bán ra ngoài thị trường. Thế nhưng, sau khi nhà mạng rà soát dữ liệu hệ thống đã cắt hàng loạt các thuê bao này do đấu nối không đúng đối tượng được hưởng ưu đãi. Hành vi vi phạm của đại lý là sử dụng user được nhà mạng cấp phát để đấu nối sai gói cước, tuồn ra thị trường. Sau khi xuất bán và kiếm được khoản lợi nhuận kha khá, các đại lý chấm dứt kinh doanh nhằm đổ trách nhiệm lên nhà mạng và người tiêu dùng.
Trả lời ICTnews sáng ngày 4/4/2013 liên quan đến hiện tượng này, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trong trường hợp này phải xem xét đến các yếu tố như việc đăng ký thông tin thuê bao có thực hiện theo đúng Thông tư 04 về quản lý thuê bao di động trả trước hay không. Thêm vào đó việc đăng ký kích hoạt SIM này có thực hiện theo quy định của Thông tư 14 quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất ban hành ngày 12/10/2012 hay không. Trong trường hợp các đại lý dùng thông tin "ma" để đăng ký thông tin cho những SIM trả trước rồi bán cho khách hàng thì nhà mạng có quyền cắt liên lạc các SIM này theo quy định về quản lý thuê bao trả trước. Vị lãnh đạo Cục Viễn thông khẳng định, bản thân khách hàng khi mua và sử dụng SIM được đăng ký thông tin "ma" đã là vi phạm Thông tư 04 về quản lý thuê bao di động trả trước. Trong thông tư này cũng yêu cầu các mạng di động phải dừng liên lạc, cắt thuê bao đăng ký thông tin không chính xác. Thậm chí, khi bị cơ quan quản lý phát hiện thì các cá nhân thuê bao và đại lý còn bị xử lý hành chính.
"Khi khách hàng mua phải SIM đăng ký thông tin "ma" và bị nhà mạng cắt liên lạc thì phải tự trách mình. Bản thân việc mua SIM và đăng ký thông tin cá nhân không phải là vấn đề khó. Thế nhưng, khách hàng tham rẻ hoặc ngại đăng ký thông tin mua SIM này đã là hành vi không tuân thủ pháp luật. Trường hợp này cũng giống như người đi mua xe cũ chỉ với giấy viết tay chứ không có đầy đủ giấy tờ và qua các quy trình mua bán theo đúng quy định thì khi có vấn đề gì xảy ra thì người mua sẽ bị thiệt", lãnh đạo Cục Viễn thông nói
Tại Điều 16 của Thông tư 04 quy định chủ thuê bao di động trả trước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin thuê bao mà mình đăng ký và phải đăng ký lại thông tin thuê bao khi có thay đổi về chủ thuê bao. Tại Điều 17 của thông tư này cũng nêu rõ trách nhiệm của đại lý phân phối SIM thuê bao phải đảm bảo tuân thủ giao kết hợp đồng về phân phối SIM thuê bao; Chịu sự thanh tra, kiểm tra và chấp hành các quyết định thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các chủ đại lý phải thông báo với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, Sở Thông tin và Truyền thông hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương khi phát hiện vi phạm trong quá trình phân phối SIM thuê bao, đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước.
Tại Điều 19 của thông tư này cũng quy định; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao, Đại lý phân phối SIM thuê bao và người sử dụng dịch vụ di động trả trước vi phạm các quy định tại Thông tư này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.