image Xuất bản, in và phát hành Tin tức sự kiện chuyên ngành
Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh
Thứ 6, Ngày 24/05/2024, 11:01 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Năm 1999, Nhà xuất bản Trẻ thành lập tủ sách “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”. Ban đầu, tủ sách gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sau, bổ sung nhiều đầu sách do các tác giả uy tín viết về Bác. Năm 2006, Nhà xuất bản Trẻ đổi tên tủ sách thành “Di sản Hồ Chí Minh” và phát hành thêm những bản thảo có giá trị. Qua một phần tư thế kỷ, tủ sách ý nghĩa này đã xuất bản được hơn 60 tựa với gần 600.000 bản in.
Nhà xuất bản Trẻ giao lưu với các tác giả tham gia tủ sách “Di sản Hồ Chí Minh”.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, người sáng lập tủ sách kể lại, năm 1999, khi Trung ương có cuộc vận động “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, đơn vị của bà muốn làm điều gì đó có giá trị cho cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ sách đã tập hợp khoảng 20 tựa sách giá trị và tiếp tục được triển khai với nhiều thể loại, cách tiếp cận khác nhau. Ngoài việc đặt các tác giả viết về Bác, đơn vị triển khai tủ sách còn liên hệ với Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và ra tận Hà Nội để khai thác thêm các thông tin giá trị. “Chúng tôi còn tiếp cận với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật với mong muốn có thêm nhiều tài liệu quý. Khi tiếp cận phòng Hồ Chí Minh tại nhà xuất bản này, chúng tôi thật sự vỡ òa. Ngay thời điểm đó, chúng tôi tiếp tục khai thác các đề tài, nội dung chưa nằm trong các đầu sách đã được công bố năm 1999. Có thể nói, đây là công trình đi đường dài, giúp người đọc tiếp cận các nội dung giá trị và cần thiết”, bà Nguyệt nhớ lại những ngày đầu hình thành tủ sách.

Khi mới ra đời, tủ sách chủ yếu bao gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Sửa đổi lề lối làm việc”, “Đời sống mới”… Trên đà thành công của tủ sách “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, thời gian sau, Nhà xuất bản Trẻ duy trì và đầu tư cho chương trình thiết thực này bằng cách liên hệ với nhiều tác giả uy tín viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để có được bản thảo chất lượng cao, sau đó thêm các chú giải chi tiết, sưu tầm tranh, ảnh minh họa. Giai đoạn này, nhiều tác phẩm đã được viết “độc quyền” cho Nhà xuất bản Trẻ như: “Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh”, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ” của tác giả Mai Văn Bộ; “Hỏi và đáp về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; “Hồ Chí Minh- Sự hình thành một nhân cách lớn” của tác giả Trần Thái Bình; “Lời non nước” của tác giả Đào Thản… Cuối năm 2006, khi đổi tên tủ sách thành “Di sản Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục bổ sung nhiều bản thảo có giá trị như: “Bác Hồ viết Di chúc” của Vũ Kỳ; “Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931” của Nguyễn Văn Khoan; “Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh” của Nguyễn Gia Nùng; “Nhân cách của Bác Hồ-Mỗi người có thể học một số điều” do nhiều tác giả thực hiện...

Từ năm 2017 đến năm 2023, 5 tựa sách: “Bác Hồ với các kỳ Đại hội Đảng”, “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam”, “Bác Hồ với Mặt trận Việt Minh”, “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” và “Bác Hồ với Quân đội nhân dân Việt Nam” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng chủ biên đã lần lượt ra mắt độc giả cả nước. Là người tham gia tủ sách suốt thời gian dài, ông Hồng cảm thấy ấm lòng khi ngày càng nhiều độc giả biết và đón nhận chuỗi tác phẩm giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tác giả Hà Minh Hồng, tủ sách “Di sản Hồ Chí Minh” đã trở thành bộ sách công cụ để độc giả nhìn vào học và làm theo Bác. Di sản của Bác gần gũi với mọi người và mang giá trị thực tiễn, đồng hành. Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, một trong những tác giả góp nhiều tựa trong tủ sách “Di sản Hồ Chí Minh” cho rằng: Viết sách về Bác Hồ rất khó vì nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề này đã được nói đến. Vậy nên, tác giả phải tìm ra cái mới và nói những điều có giá trị. Tác giả dành nhiều thời gian tra cứu, tìm hiểu, trao đổi với các đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu lớn tuổi và nhận ra mình cần những góc riêng khi viết về Bác. “Tôi quan tâm đến những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ thấm, nhất là hướng tới đối tượng bạn đọc trẻ tuổi. Tôi tâm đắc với câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”. Chúng ta có rất nhiều điều để học từ Bác; trong đó, có những câu chuyện lớn lao như lý tưởng, vấn đề nhân sinh quan nhưng cũng có những điều rất gần gũi, giản dị liên quan đến đời sống hằng ngày”, ông Hải chia sẻ.

Khi tủ sách liên tục được bổ sung nhiều tựa sách mới, Nhà xuất bản Trẻ phân chia theo các chủ đề, tăng tính tiếp cận cho cộng đồng đọc sách như: “Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”, “Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ”, “Bác Hồ với nền tảng chế độ”, “Học và làm theo Bác”, “Chủ đề quốc tế”, “Chủ đề dành cho thanh niên, thiếu niên-nhi đồng”… Từ năm 2023, đơn vị đã số hóa và xuất bản trọn bộ sách điện tử “Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh”; đồng thời, làm cuốn “Sổ tay Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở cả dạng giấy lẫn dạng file PDF để tặng bạn đọc tải dùng miễn phí. Trong “Sổ tay Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” có giới thiệu các tựa sách, file trang trí không gian, file hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác cùng nhiều bản sách điện tử đọc thử. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho biết: Đơn vị triển khai tủ sách rất vui khi các tựa sách đều được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Thời gian tới, tủ sách sẽ không ngừng đổi mới nhằm đa dạng hơn nữa đề tài, thể loại, góc tiếp cận. Nội dung sẽ được định hướng sao cho gần gũi với bạn đọc hiện nay và cách thể hiện sẽ linh hoạt hơn nhằm mang đến sự tiện dụng, thân thiện cho quá trình đọc, lưu trữ hay sử dụng sách trong quá trình học tập, nghiên cứu

Nguồn: BTV
Lượt xem: 815
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin