* Tổng đài 1022, nay đã được nâng cấp và phát triển thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức có những khác biệt gì so với các kênh tiếp nhận thông tin khác, thưa ông?
- Ông Lê Quốc Cường: Từ năm 2013 trở về trước khi chưa có hệ thống 1022, mỗi sở ngành có một số đường dây nóng hay số tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân. Quá nhiều số, lại dài, người dân khó nhớ. Từ thực tiễn quản lí này, Sở TT&TT TP.HCM đã đề xuất các sở ngành thuộc lĩnh vực hạ tầng kĩ thuật khi xử lí một sự cố cần có sự phối hợp giữa các ngành, từ đó kênh tiếp nhận thông tin cũng qui về một đầu mối duy nhất, qua đó có thể điều phối và xử lí tổng thể. Về sau, các kênh tiếp nhận thông tin được tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác như đường dây nóng, phản ánh về môi trường…
Cụ thể là 6 kênh, nhưng đầu mối tiếp nhận vẫn chỉ một là Tổng đài 1022, từ đây phân và lưu chuyển thông tin sang các sở ngành, địa phương cơ sở. Ban đầu, số tổng đài là 0839111333. Sau đó chúng tôi làm việc với Cục Viễn thông để xin ra đầu số ngắn hơn là 1022. Như vậy, với Tổng đài 1022, lần đầu tiên việc tiếp nhận thông tin phản ánh về sự cố hạ tầng kĩ thuật của người dân được luân chuyển về đúng đơn vị và được giám sát việc thực hiện.
* Thế nhưng hiện nay, từ nền tảng Tổng đài 1022 đã được quyết định nâng cấp và phát triển trở thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Việc này sẽ mang lại thêm những tiện ích gì?
- Ngày 11.1.2019, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 183/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Đề án này kế thừa những thành quả của Tổng đài 1022 và phát triển thêm.
Tuy nhiên cũng cần nói rằng, với Tổng đài 1022, càng về sau đã được mở rộng thêm nhiều. Đơn cử như, năm 2016 hệ thống 1022 mở rộng thêm phương thức tiếp nhận thông tin qua email, tin nhắn nhờ đó nội dung phản ánh từ người dân được nhiều hơn. Đến năm 2017, hệ thống cũng được mở rộng sang app di động, mạng xã hội nhằm tăng cường kênh giao tiếp với người dân. Hệ thống còn được tích hợp camera giám sát giúp người dân có thể chụp ảnh gửi đi và tích hợp dữ liệu hạ tầng đô thị nhờ đó có thể xác định được vị trí xảy ra sự cố.
Khi nâng cấp phát triển thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ có nhiều việc phải làm hơn nữa. Tuy nhiên, hệ thống nhờ đó cũng mang lại thêm nhiều tiện ích hơn cho người dân. Đơn cử như tích hợp thêm dữ liệu, qui trình xử lí hành chính tại cấp quận huyện để người dân biết được hồ sơ của mình đang được xử lí đến đâu, còn lãnh đạo cũng có thể theo dõi, giám sát việc cán bộ xử lí hồ sơ của người dân.
*Trong thời gian tới, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ triển khai thêm các giải pháp, ứng dụng nào?
- Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ là một bộ phận cấu thành để xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh - là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lí tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.
Hệ thống cũng xây dựng và hình thành trên nền tảng ứng dụng CNTT để liên thông, kết nối và cung cấp thông tin, dữ liệu, dịch vụ liên ngành. Cổng thông tin sẽ tích hợp các dịch vụ đường dây nóng hỏi đáp của các đơn vị quản lí hành chính và đơn vị sự nghiệp công, cung cấp thông tin về dịch vụ công. Hệ thống sẽ hướng đến một cổng thông tin công dân, nghĩa là không chỉ tiếp nhận thông tin từ người dân mà còn cung cấp thông tin cho công dân, tương tác với người dân và tạo điều kiện để người dân giám sát các dịch vụ hành chính công.v.v…
*Xin cảm ơn ông!