image Xuất bản, in và phát hành Tin tức sự kiện chuyên ngành
Ngành xuất bản tìm hướng đi mới để thoát khó
Thứ 3, Ngày 26/03/2024, 02:35 CH Cỡ chữ Màu chữ image
Doanh thu đạt hơn 4.000 tỷ đồng, đó là con số ghi nhận nỗ lực của ngành xuất bản trong năm 2023. Song theo nhận định của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, trước “cơn sóng thần” công nghệ, ngành xuất bản đang gặp khó khăn, là “giai đoạn nhiều đau đớn”, cần đổi mới tư duy, sáng tạo để thích ứng với thời đại.

Tư duy lại cách làm sách để đưa sách đến gần hơn với người dân

Tư duy lại cách làm sách để đưa sách đến gần hơn với người dân

Sách nhiều nhưng ít sách hay

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết, phân tích số liệu về cơ cấu sách năm 2023 cho thấy, hầu hết các loại sách đều có biến động nhẹ, tăng - giảm cả về số lượng đầu sách và số bản in. Doanh thu xuất bản hơn 4.000 tỷ đồng nhưng quá nửa đến từ mảng sách giáo khoa, tham khảo. Bên cạnh những mặt tích cực do hoạt động liên kết xuất bản đem lại, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, đặc biệt là hiện tượng bỏ lọt nội dung không chính xác, không phù hợp. Sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo nhà xuất bản, sự buông lỏng quy trình biên tập đã dẫn đến sai phạm của một số đầu sách liên kết.

Đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Mặc dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5, nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản vẫn triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét. Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số nhà xuất bản khối đại học xuất bản, còn về tổng thể chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu. “Số lượng sách điện tử tuy có tăng nhưng vẫn thấp và thua xa nhiều nước trong khu vực”, ông Nguyễn Nguyên thẳng thắn nhận định.

Nguyên nhân của tình trạng trên được ngành xuất bản chỉ ra là từ việc thiếu các nhân lực nắm bắt thị hiếu của bạn đọc, xây dựng thương hiệu, marketing, phát hành…. Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL, vẫn còn tình trạng một số người làm xuất bản chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận; nhiều người khai thác, sử dụng sách trên không gian mạng chưa quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả; một số bạn đọc vẫn chọn mua sách giá rẻ mặc dù biết rõ đó là sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền. Tình hình xâm phạm bản quyền, đặc biệt là trên không gian mạng đã được các cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên các biện pháp giải quyết chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu khiến người làm sách đối mặt với nhiều rủi ro...

Tư duy lại cách làm sách

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành xuất bản đang “thai nghén tái sinh” để có hình hài tốt hơn, đây là giai đoạn “đầy đau đớn nhưng cần phải thích nghi với môi trường thay đổi”. “Đổi mới sáng tạo là câu chuyện chính của ngành xuất bản, phải nghĩ rộng ra, mạnh dạn thử sai để tìm ra hướng phù hợp cho từng NXB. Xuất bản phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Độc giả ở đâu chúng ta phải tới đó; độc giả ở trên các nền tảng, chúng ta phải tới các nền tảng số đó”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Liên quan tới việc chọn bản thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nhiều nhà xuất bản chọn cách làm là mua bản quyền sách best seller (bán chạy) ở nước ngoài về Việt Nam, in và phát hành. Tuy nhiên, best seller ở nước ngoài chưa chắc đã bán được ở thị trường Việt Nam. Chính vì thế, các đơn vị xuất bản cần nghiên cứu thị trường, đọc nhiều bản thảo để chọn tác phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam và đôi khi sẽ có cái phù hợp với mức tiền bản quyền rất rẻ. “Cứ chọn best seller rồi về in ấn phát hành có nghĩa là chúng ta đang chọn việc dễ. Việc khó hơn là nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá nhu cầu của độc giả và nếu làm tốt việc đó, ngành xuất bản mới có thể thành công”, Bộ trưởng khẳng định.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty Sách Thái Hà, cũng cho rằng, xuất bản trong nước bên cạnh việc in sách còn cần hướng đến việc chung tay kiến tạo một hệ sinh thái xuất bản như: xây dựng các bộ sách lớn về văn hóa, văn học, tự nhiên... của đất nước; lập và hỗ trợ các hoạt động khuyến đọc tại các nhà trường và địa phương trên cả nước, ví dụ như hoạt động đọc sách 10 phút mỗi ngày tại các lớp học, cấp học; lập quỹ khuyến đọc và dịch thuật…

Cùng chung nhận định này, TS Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, cho rằng, việc làm ra sách hay đã khó, nhưng việc đưa được sách hay đến với đông đảo công chúng còn khó khăn hơn. TS Trung kiến nghị tăng cường các hoạt động khuyến đọc, các giải thưởng về sách, sự tham gia của các chuyên gia trong từng lĩnh vực để góp phần tạo ra các “màng lọc”, cùng chọn ra các quyển sách hay để mọi người có thêm kênh tham khảo.

Nguồn: BTV
Lượt xem: 548
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin