image Xuất bản, in và phát hành Tin tức sự kiện chuyên ngành
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ 3, Ngày 07/05/2024, 09:59 SA Cỡ chữ Màu chữ image
"Người người lớp lớp" của Trần Dần đưa bạn đọc trở về bầu không khí hào hùng của những ngày tháng của 70 năm trước.

Sau gần 15 năm, cuốn tiểu thuyết đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ được tái bản. Tác phẩm đưa bạn đọc trở về bầu không khí hào hùng của những ngày tháng 70 năm trước và giúp chúng ta hiểu thêm về mảng văn xuôi viết về chiến tranh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thông qua những đoạn văn sôi sục: “Đêm qua đánh là đánh; chả nhìn rõ địa hình, chỉ thấy bóng địch, ụ hào ở gần, mấy quãng đường trắng rập rờn ánh lửa. Họ lấy hướng mà tiến lui trong biển khói lửa đó. Sớm nay trời sáng, ba người mới chiếm lấy một quãng hào, họ đứng rải ra mấy ngách ngỏm lên quan sát. No thấy đánh thót cái ở bụng, tình thế ba người là một tình thế máu: họ lọt thỏm ở giữa, bốn xung quanh là địch. Đàng trước mặt là Mường Thanh, hào ụ lổn nhổn vàng bò, sạm thui, dây thép gai chằng chịt, khói đạn tỏa mù...”

Tác giả cuốn sách này là nhà văn, nhà thơ Trần Dần, một người mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với một thời kì đầy biến động lịch sử. Không chỉ nổi tiếng như một nhà thơ - với các tập thơ Bài thơ Việt Bắc (1990), Cổng tỉnh (1994) - tác giả Trần Dần (1926-1997) còn được biết tới như một nhà văn từ rất sớm với tiểu thuyết Người người lớp lớp (1955).

Sách  Người người lớp lớp. Ảnh:  Tuấn Bình.

Những năm đó, với tư cách người làm báo viết văn trong quân đội, theo chân nhiều đơn vị bộ đội xuống cơ sở hoặc cập nhật những thông tin từ các phóng viên hay về tòa soạn, Trần Dần đã tích lũy vốn sống và tình cảm kháng chiến đối với những người đồng đội.

Mùa xuân năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ông là một trong số các nhà văn trực tiếp tham gia chiến dịch. Ba tập sách, hơn ba trăm trang được khởi viết từ tháng 2/1954 tại Điện Biên và viết xong tháng 7/1954 tại Việt Bắc, quyển một được in ngay trong năm 1954 và hai quyển sau được in vào năm 1955 đều do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành.

Người người lớp lớp là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết tương đối toàn diện về chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ lúc các đại đoàn chủ lực của ta hành quân lên Tây Bắc; thay đổi chiến thuật; trận đánh mở màn ở Him Lam mở toang cánh cửa phân khu phía bắc tập đoàn cứ điểm; những ngày ròng rã đào giao thông hào để thít cổ con nhím Điện Biên Phủ và giờ phút phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm De Castries.

Hoàn thành một tiểu thuyết trong vỏn vẹn năm tháng thì có đến ba tháng tác giả trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Điện Biên. Người người lớp lớp là tác phẩm đầu tiên tạo dựng lại một cách đầy đủ, kịp thời nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Nhà thơ Hữu Việt, có người bố là nhà văn Hữu Mai từng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Điều phi thường này không phải ai cũng làm được! Bởi trong điều kiện chiến trường giao tranh vô cùng khốc liệt, dưới ngòi bút của ông, cuộc sống và chiến đấu của người chiến sĩ, tầm vóc của chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' đã hiện lên tươi rói trên từng trang sách. Người người lớp lớp chính là một bản trường ca bằng văn xuôi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có thể nói Trần Dần đã rút ruột vừa đi vừa viết quyết liệt để cho ra đời những trang bút máu”.

Người lính văn nghệ là Trần Dần lúc bấy giờ đã bám sát những đơn vị chủ công, những pháo thủ "chân đồng vai sắt", lăn lộn dưới hào chiến đấu với những người lính xung kích, cùng họ chia sẻ mọi khó khăn gian khổ và chính trong hoàn cảnh đó, ông đã viết cuốn sách này: tranh thủ mọi nơi mọi lúc có thể - những chặng dừng chân ngắn ngủi trên đường hành quân... những khoảnh khắc giữa hai trận đánh..."Bàn viết" thường là một tấm các tông kê trên ba lô hay nếu may mắn hơn, một phiến đá phẳng bên bờ suối... Nguồn sáng thường là lửa bếp "anh nuôi" hay thậm chí, ánh trăng...

Và ở đó, lời văn tác giả vang lên. Viết về thế quân đi, ông hạ những câu lạ: "Trăng sáng ngập đường, quân sĩ đi như sóng biển", "Trên đường quân đi rồn rã. Mùa đông gió nổi đầy trời...". Hình ảnh lá cờ xung trận thường xuyên được ông nhắc tới bằng ngôn ngữ văn xuôi trên đôi cánh bay bổng của thi ca, lãng mạn mà không kém phần bi tráng: "Lá cờ quẫy đỏ một khu rừng, lá vàng lả tả", "Lá cờ đỏ rực cả gian hầm tổ 1", "Màu cờ đỏ trôi trong lửa khói, chói lọi và thôi thúc"... Đó đích thực là những thi ảnh của bản hùng ca người lính.

Nguồn: BTV
Lượt xem: 346
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin