image Tin hoạt động Công nghệ thông tin
Việt Nam có thể trở thành 'con rồng AI'
Thứ 6, Ngày 22/03/2024, 08:06 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Ông Rafael Frankel - giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á thuộc Tập đoàn Meta (công ty mẹ của Facebook) - bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, đồng thời nêu một số mong muốn với chính quyền sở tại.

Họp báo thông tin về phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam vào hôm 18-3 - Ảnh: DUY LINH

Họp báo thông tin về phái đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam vào hôm 18-3 - Ảnh: DUY LINH

Tối 18-3 tại Hà Nội, trong cuộc họp báo về sự kiện phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất sang Việt Nam, đại diện Meta cho rằng Việt Nam có thể trở thành một con rồng mới ở châu Á về trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Tuổi Trẻ sau đó một ngày, ông Frankel đã giải thích rõ hơn về nhận định này.

Việt Nam có đủ tiềm lực

Ông Rafael Frankel - Ảnh: N.KHÁNH

Ông Rafael Frankel - Ảnh: N.KHÁNH

* Ông có thể nói rõ thêm về chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIC) 2024 và nhận định Việt Nam có thể trở thành "con rồng AI"?

- Chủ đề của VIC 2024 là AI và chất bán dẫn. Chương trình năm 2023 đã rất thành công khi chúng tôi nhận được hơn 16.000 sự quan tâm, hơn 750 đơn đăng ký và sau đó là 12 người chiến thắng. Do đó năm nay chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều sự quan tâm hơn, với các chủ đề tập trung vào cách Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngành AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số của đất nước.

Nói tới bán dẫn và AI thì cũng giống như nói về cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng mềm cần thiết để thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam. Tôi đã từng nói Việt Nam có thể là "con rồng AI" và thực sự các bạn có tất cả những yếu tố cần thiết để tận dụng các công cụ AI sắp tung ra thị trường hiện nay, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh chóng trong những năm tới.

Những gì Meta và các công ty như chúng tôi đang làm là phát triển, tung ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được viết cho công chúng và cho mục đích nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp.

Từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đến doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đều có thể sử dụng LLM mà chúng tôi đang cung cấp và xây dựng các ứng dụng AI này trên chúng.

Ví dụ một SME nào đó đang bán quần áo và muốn tương tác với khách hàng, họ phải có người trả lời tin nhắn trên Messenger, WhatsApp hoặc Instagram. Nhưng nếu dùng chat bot AI để trả lời hoặc thực hiện đơn hàng, họ có thể mở rộng quy mô kinh doanh của mình hơn rất nhiều, theo cấp số nhân.

Chúng tôi xây dựng các cơ sở hạ tầng đắt tiền, sau đó các nhà phát triển sử dụng nền tảng đó để phát triển công cụ và họ sẽ không tốn nhiều tiền đâu.

Chúng ta cũng có quyền hy vọng AI có thể được dùng để giải quyết không chỉ sự phát triển của doanh nghiệp mà còn cả những thách thức xã hội, ví như dược phẩm, biến đổi khí hậu... Việc tiếp nhận công nghệ đáng kinh ngạc này và quyết định cách sử dụng nó là tùy thuộc vào người Việt Nam.

Meta sẽ kết hợp đào tạo về AI tại Việt Nam

Ông Rafael Frankel nói: "Ngoài VIC, chúng tôi còn hợp tác với Việt Nam trong nhiều cái khác. Chương trình kỹ thuật số của chúng tôi đã đào tạo gần 1 triệu người ở Việt Nam về kiến thức kỹ thuật số và tôi hy vọng sẽ vượt mốc 1 triệu trong năm nay. Chúng tôi sẽ chuyển sang kết hợp các yếu tố AI vào những khóa đào tạo như vậy".

* Vậy ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp nhận và ứng dụng AI của các SME ở Việt Nam?

- Giới hạn duy nhất với các SME ở Việt Nam trong việc có thể làm với AI là trí tưởng tượng của chính họ.

Vậy Chính phủ có thể làm gì? Trong những năm tới, sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ trên toàn cầu để sản xuất những loại chip có thể giúp AI hoạt động. Và Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng quyết định thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn trong nước.

Từ góc độ chính sách, đối với các công ty như Meta, có một số điều khác biệt. Đầu tiên là một phần thành công của Việt Nam trong 25 đến 30 năm qua về tăng trưởng kinh tế. Đó còn là việc Chính phủ theo đuổi chính sách cởi mở với đầu tư, đặc biệt là có môi trường pháp lý thông thoáng.

Sự cởi mở đó không chỉ cho phép mà còn khuyến khích các công ty công nghệ toàn cầu như Meta và các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ đến đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, trước hết tôi mong Việt Nam hãy duy trì môi trường cởi mở, bởi đó là điều cực kỳ quan trọng.

Vấn đề thứ hai là điều tôi đã đề cập ngày 18-3, và chúng tôi sẽ thảo luận với Chính phủ trong tuần này về tầm quan trọng của những gì Chính phủ quyết định với băng tần 6 gigahertz. Băng tần đó cần được kích hoạt để truy cập WiFi.

Ngày càng nhiều người dân Việt Nam tiếp cận Internet, nghĩa là chúng ta cần nhiều băng thông hơn. Do đó, để tiếp tục tăng trưởng vượt bậc cho nền kinh tế số Việt Nam, băng tần 6 gigahertz đó cần được kích hoạt.

Bảo đảm an toàn trên không gian mạng

* Việc lừa đảo trên mạng vẫn phổ biến và gần đây Việt Nam đã xem xét việc định danh người dùng trên mạng xã hội qua số điện thoại để ngăn chặn tình trạng này. Meta sẽ phối hợp ra sao?

- Facebook cũng có nguyên tắc là bảo đảm người dùng phải là chính họ. Nhờ AI, chúng tôi đã xóa khoảng 2 tỉ tài khoản giả trong năm ngoái. Vì vậy, chúng tôi đồng ý với Chính phủ Việt Nam rằng cần phải loại bỏ những người tham gia bằng tài khoản giả.

Chúng tôi đang thảo luận với Chính phủ về hình thức xác minh phù hợp, hiệu quả. Meta cũng đang thử nghiệm một số phương pháp xác minh khác nhau, xem cái nào thành công và phù hợp với Việt Nam.

Nâng cao năng lực hàng không vũ trụ Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ sau cuộc tiếp đón vào sáng 20-3 - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ sau cuộc tiếp đón vào sáng 20-3 - Ảnh: Quochoi.vn

USABC, bên tổ chức đưa phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này, cho biết trong 4 ngày từ 18 đến 21-3, đoàn đã gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ngày 20-3) và dự kiến hôm nay gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đại diện các doanh nghiệp cũng gặp lãnh đạo các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.

Tại cuộc tiếp đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ và nỗ lực tạo dựng khuôn khổ pháp lý và chính sách thuận lợi, ổn định, minh bạch để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, tiếp tục hoạt động, mở rộng quy mô và phát triển lâu dài tại Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao cam kết của Chính phủ Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ có tiếng nói và phát huy vai trò để thúc đẩy sự đồng thuận đối với vấn đề này.

Dẫn đầu đoàn năm nay là ông Ted Osius - cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam kiêm chủ tịch USABC, ông Michael Nguyễn - giám đốc quốc gia Tập đoàn Boeing tại Việt Nam kiêm chủ tịch Ủy ban Việt Nam của USABC và ông Vũ Tú Thành - phó giám đốc điều hành khu vực kiêm trưởng đại diện USABC tại Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Boeing cho biết họ đặc biệt quan tâm đến mối liên hệ hợp tác ngày càng lớn giữa tập đoàn và Việt Nam. "Boeing coi Việt Nam là một đối tác chiến lược và không ngừng thúc đẩy, củng cố sự hiện diện của tập đoàn tại đây, cũng như thắt chặt mối quan hệ với các khách hàng và đối tác tại Việt Nam", đại diện Boeing khẳng định.

Về việc hỗ trợ đưa doanh nghiệp Việt Nam vào sâu chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Boeing cho biết tập đoàn đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa phát triển năng lực chế tạo, sản xuất trong ngành hàng không vũ trụ.

Các nhà cung cấp của Boeing tại Việt Nam hiện đang chế tạo các bộ phận của máy bay, bao gồm các kết cấu hàng không, linh kiện điện tử và vật liệu tổng hợp cũng như dịch vụ phần mềm.

"Boeing cũng đang cung cấp đào tạo chính thức cho một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm giúp họ trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai", vị này cho biết thêm.

Nguồn: BTV
Lượt xem: 530
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin