image Công nghệ thông tin Thông tin tuyên truyền
Nâng thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu
Thứ 5, Ngày 12/10/2023, 02:12 CH Cỡ chữ Màu chữ image
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. (Ảnh minh họa: Huyền Trang/TTXVN)

Chiều 10/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cùng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo giới thiệu Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) 2023 và kết quả của Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại Trụ sở Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023.

Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về Đổi mới Sáng tạo trong thập kỷ qua.

Về thứ hạng đầu vào Đổi mới Sáng tạo, Báo cáo GII 2023 cho thấy Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43).

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu GII 2023 đã giúp các tỉnh, thành trong cả nước nhìn rõ những khía cạnh để phát triển hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội dựa trên Đổi mới Sáng tạo.

Một số chỉ số Đổi mới Sáng tạo duy trì mức tăng. Điển hình là chỉ số về số lượng ứng dụng phần mềm sản xuất, liên quan đến ứng dụng di động nhờ vào phát triển công nghệ số có điểm giá trị tăng rất cao với 82,6 điểm, hạng 8.

Đổi mới Sáng tạo ngành văn hóa với các đóng góp liên quan đến tác phẩm, sản phẩm sáng tạo, clip được đăng tải, lan tỏa trên mạng xã hội cũng giúp định dạng giá trị về sáng tạo của Việt Nam.

Cho rằng để phát triển Đổi mới Sáng tạo cần có sự chung tay đầu tư của tất cả các bên từ đầu vào đến đầu ra, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh còn một vài chỉ số nếu được cập nhật sẽ cải thiện vị trí Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam. Ví dụ Chỉ số về xuất nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT); tiền bản quyền tác giả, lệ phí, giấy phép mới được cập nhật từ 2014...

Thứ trưởng Bùi Thế Duy bày tỏ hy vọng với sự hỗ trợ của chuyên gia Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Bộ sẽ cùng các đơn vị triển khai đánh giá mức độ Đổi mới Sáng tạo, từ đó tạo thành một bộ công cụ để có thể đánh giá Đổi mới Sáng tạo hiện đang thiếu gì, cần gì, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành, địa phương để có hướng đi đúng trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng thứ hạng của Việt Nam trong Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, kết quả của Việt Nam tại Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu năm 2023 là rất đáng ghi nhận nhưng cũng đặt ra thách thức rất lớn cho Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều bất ổn và thay đổi lớn về chính trị, kinh tế trên thế giới.

Cùng với đó là sự điều chỉnh chiến lược đầu tư thương mại đang diễn ra ở nhiều nước và các châu lục. Vì vậy, cần có giải pháp phát huy tiềm năng to lớn của Việt Nam cũng như thúc đẩy hơn nữa chuyển giao công nghệ, ứng dụng Đổi mới Sáng tạo vào việc phát triển các thương hiệu hàng hóa, dịch vụ với chất lượng của Việt Nam tại các thị trường; từ đó, mang lại giá trị cao, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nền kinh tế.

Điều này đòi hỏi nỗ lực của các cấp, các ngành trong cả nước đối với lĩnh vực Đổi mới Sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là nỗ lực đến từ các địa phương, nhà khoa học, khu vực tư nhân, hiệp hội ngành hàng.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc luôn đồng hành hỗ trợ, kết nối, hợp tác song phương, đa phương với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và các tổ chức liên quan trong lĩnh vực Đổi mới Sáng tạo, chuyển giao công nghệ vào phát triển sản phẩm dịch vụ, góp phần đưa đất nước ta ngày càng phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, đồng tác giả Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu đã chia sẻ một số kết quả cụ thể của báo cáo này trong năm 2023 và một số vấn đề đặt ra với Việt Nam./.

 

Nguồn: Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)
Lượt xem: 5855
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin