Báo chí cần cuộc cách mạng về công nghệ
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, vai trò định hướng của báo chí chính thống rất quan trọng, nếu không dẫn dắt được dư luận để mạng xã hội chiếm lĩnh thì báo chí không hoàn thành sứ mệnh của mình.
Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 với tốc độ phát triển như vũ bão, công nghệ số trở thành xu thế tác động tới mọi mặt đời sống, trong đó đòi hỏi báo chí phải thay đổi để thích nghi.
“Công nghệ không thể tách rời với sự phát triển của nền báo chí. Bởi với Internet, nền tảng số phát triển như vũ bão hiện nay đã làm thay đổi thói quen, văn hóa đọc của người dân.
Người dân Việt Nam ai cũng có thể sở hữu điện thoại thông minh, họ cập nhật tin tức qua nhiều kênh thông tin khác ngoài kênh báo chí chính thống. Điều này gây ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống cách mạng và các trang mạng xã hội như: Facebook, Google… Thực tế này bắt buộc phải có cuộc “cách mạng” về công nghệ đối với báo chí.
Theo đó, các cơ quan báo chí phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, xuất bản… tạo ra những sản phẩm báo chí vừa đảm bảo tính chính xác của thông tin nhưng được trình bày dưới nhiều hình thức (không chỉ trên báo giấy) hấp dẫn với người đọc. Phải có sự thay đổi và thay đổi một cách nhanh chóng tạo thành cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ đối với ngành báo chí trong giai đoạn mới”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Một lần nữa, ông Tạ Văn Hạ khẳng định, báo chí không thể tách rời công nghệ. Hơn lúc nào hết, báo chí muốn tồn tại, muốn giữ được vai trò định hướng dư luận, chiếm lĩnh trên mặt trận tư tưởng văn hóa thì bắt buộc phải tiếp nhận công nghệ, thay đổi mạnh mẽ cùng nó.
“Nếu báo chí quay lưng là tự đào thải. Báo chí phải nắm bắt cơ hội, đổi mới và phải ứng dụng một cách tích cực thì mới chiếm lại được vai trò, sứ mệnh của mình trên mặt trận văn hóa, thông tin”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cũng nhận định rằng công nghệ đang thay đổi cách người đọc tiếp cận tin tức. Báo chí trong những năm qua mất dần độc giả vì chưa kịp thích nghi với nhu cầu mới. Thói quen đọc báo đã chuyển từ báo in sang báo điện tử, từ đọc bài dài sang bài ngắn, nhưng báo chí chưa theo kịp sự thay đổi này.
“Công nghệ chính là yếu tố làm thay đổi thói quen và hành vi tiếp nhận tin tức của độc giả. Vì vậy, các nhà báo cần thích nghi bằng cách đổi mới, đưa ra các hình thức thông tin ngắn gọn để đáp ứng nhu cầu hiện tại”, ông Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đồng cũng cho rằng báo chí không còn là nguồn cung cấp thông tin duy nhất. Với một chiếc điện thoại, bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ thông tin đến công chúng. Ngày trước, thông tin được hội tụ và phát đi qua báo chí, nhưng nay, các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok đã trở thành những kênh phân phối thông tin phổ biến.
Công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cũng đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí. AI giúp rút ngắn thời gian sản xuất nội dung, tăng hiệu quả làm việc. Ông Đồng ví dụ, trước đây để sản xuất một phóng sự truyền hình, cần một ekip 3-4 người, nhưng giờ chỉ cần một người với chiếc điện thoại.
Công nghệ giải quyết được nhiều vấn đề trong quản lý truyền thông
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề công nghệ, thông tin giả, đến nhu cầu thay đổi trong cách tiếp cận công chúng.
Nhưng đây cũng là cơ hội để báo chí khẳng định vai trò của mình, tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả làm việc và tiếp cận công chúng một cách hiệu quả hơn.
Bởi thực tế đã chứng minh, công nghệ thực sự phát huy tối đa tiềm năng của báo chí, giúp giảm bớt các khâu trung gian và làm tăng doanh thu, đồng thời đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Đặc biệt, những thành tựu công nghệ góp phần nghiên cứu, đánh giá thói quen và hành vi của người dùng, từ đó có thể tiếp cận công chúng tốt hơn.
“Công nghệ từ lâu đã thẩm thấu vào nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng suy cho cùng, văn hóa vẫn là giá trị cốt lõi, chủ thể chính vẫn là những phóng viên, biên tập viên hàng ngày truyền tải thông tin tới công chúng.
Vì vậy, khi xã hội thay đổi buộc người làm báo cũng phải nắm bắt, xử lý tốt và làm chủ công nghệ để phục vụ công việc của mình. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho các nhà báo khi công nghệ thay đổi từng giờ, từng phút như hiện tại”, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa nói.
Mặt khác, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa cũng nhấn mạnh, công nghệ luôn mang lại sức hấp dẫn nhưng cũng tạo ra nhiều rủi ro. Tin giả trên mạng lan tràn, đặc biệt khi người dùng chưa kịp tiếp cận thông tin chính thống.
Một bài báo mới đăng tải trên mạng Internet có thể bị khai thác và biến tướng trên các trang khác, thông tin giả mạo đôi khi chỉ là một phần nhỏ được cài cắm khiến công chúng khó phát hiện.
Theo ông Nghĩa, điều này làm triệt tiêu công sức của các phóng viên, nhà báo khi tác phẩm bị khai thác trái phép, thương mại hóa. Nguy hiểm hơn là thông tin đúng bị cài cắm chi tiết sai lệch, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc.
“Để chống lại tin giả (fake news) việc đầu tư công nghệ để làm chủ công nghệ, khẳng định vị trí trên không gian mạng là cần thiết để công chúng có thể kiểm chứng thông tin.
Báo chí cần phát huy vai trò, sẵn sàng xung trận và chịu trách nhiệm về thông tin đưa ra. Đồng thời, cũng cần cảnh báo kịp thời đến công chúng về những nguy cơ của tin giả”, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.