image Công nghệ thông tin Tin tức sự kiện chuyên ngành
Lên kế hoạch đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu về ứng dụng blockchain
Thứ 3, Ngày 29/10/2024, 10:47 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Bộ TT&TT, trực tiếp là NEAC, đã sẵn sàng lên kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain. Chiến lược hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu khu vực về nghiên cứu, ứng dụng blockchain.

‘Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/10. 

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, các chuyên gia công nghệ nhận định: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển blockchain thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Việt Nam với công nghệ blockchain, một trong những công nghệ số trọng điểm quốc gia cần tập trung ứng dụng và phát triển, bên cạnh các công nghệ mới khác như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn.

Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia - NEAC thuộc Bộ TT&TT, đơn vị tham mưu xây dựng chiến lược cho biết, Trung tâm hiện đã sẵn sàng cho việc lên kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain.

Theo NEAC, nhằm khai thác được toàn bộ tiềm năng, công nghệ blockchain cần được phổ thông và xã hội hóa để có thể tiếp cận tới các lĩnh vực, ngành nghề khác, cũng như đến toàn thể nhân dân. Ảnh minh họa: Fintechweekly.com

Lý giải rõ hơn về quan điểm, mục đích của chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain, đại diện NEAC cho hay: Chiến lược được ban hành ra nhằm giúp Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ chuỗi khối.

Đồng thời, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ chuỗi khối trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hóa mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng.

Blockchain đã và đang dần phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên từ trước đến nay công nghệ này chưa thực sự được coi trọng đúng mức trong quá trình phát triển và ứng dụng, vẫn thường được coi như một công nghệ chỉ được ứng dụng trong tiền mã hóa.

Vì thế, chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain xác định sẽ thay đổi nhận thức của người dân về blockchain và coi đây là biện pháp quan trọng để ‘mở khóa’ giá trị của công nghệ này và thúc đẩy quan điểm sáng tạo với blockchain. 

Mặt khác, công nghệ blockchain là một trong những xu hướng công nghệ mới và có nhiều tiềm năng, giá trị. Nhiều quốc gia và các doanh nghiệp đang tập trung vào việc phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain ở các lĩnh vực như định danh, xác thực, chuỗi cung ứng.  

Với nhận thức trên, Bộ TT&TT đã xây dựng chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain theo 6 quan điểm chính gồm: Hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số; kiểm soát để phát triển; công nghệ tăng cường giá trị; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện; hướng tới nền kinh tế số, xã hội số; phát triển công nghệ chuỗi khối toàn diện, tiếp cận tới toàn dân.

Đại diện NEAC cũng cho biết, thời gian đầu, chiến lược xác định tập trung hình thành cơ sở, nền tảng để thúc đẩy xây dựng các ứng dụng blockchain tại Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu đầu tiên là thiết lập nền tảng phát triển công nghệ blockchain, bao gồm việc hình thành môi trường để các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai, nghiên cứu đưa các ứng dụng công nghệ mới này vào hoạt động thuộc lĩnh vực của mình.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, một chuyên gia công nghệ đã có thời gian tương đối dài nghiên cứu về blockchain nêu quan điểm: Để thực thi chiến lược chuỗi khối mang lại hiệu quả, yếu tố quan trọng là Chính phủ cần triển khai và khuyến khích thực thi ở một số nội dung.

Cụ thể là, ngoài việc có chính sách khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu nền tảng công nghệ blockchain, tạo môi trường thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ blockchain phục vụ các ngành, lĩnh vực, Chính phủ cũng cần xem xét cách thức để đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho ứng dụng và phát triển công nghệ mới này.

Các quy định sẽ cần phải tiến triển song song với ứng dụng và phát triển mới của công nghệ chuỗi khối.

“Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan tâm đến việc đưa ra các tiêu chuẩn phù hợp để đảm bảo sự vững mạnh của các hệ thống blockchain, sự liên thông giữa các hệ thống blockchain; có chính sách hợp tác giữa các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế để phát triển các tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn này cần phải được phản ánh trong cả các quy định và mã phần mềm”, chuyên gia công nghệ này lưu ý thêm.

Nguồn: BTV
Lượt xem: 747
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin