image Xuất bản, in và phát hành Tin tức sự kiện chuyên ngành
Thúc đẩy tình yêu với sách
Thứ 2, Ngày 21/10/2024, 10:12 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Văn hóa đọc ngày càng được quan tâm. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai khắp nơi, góp phần thiết thực thúc đẩy thói quen đọc sách

Cuối tuần qua, vòng chung kết, trao giải cuộc thi "Sáng kiến Văn hóa đọc bền vững 2024" do Lang Thang Community+ (LT+) tổ chức đã diễn ra tại TP HCM.

Cùng nhau phát triển

LT+ do anh Nguyễn Hữu Phước (23 tuổi, ngụ TP HCM) sáng lập. Chàng trai yêu thích đọc sách và viết lách này đã thành lập một cộng đồng để giao lưu, học hỏi với những ai chung đam mê.

Qua thời gian, nhóm của Phước càng nhận ra nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong việc đọc sách, không tìm được động lực, không có kỹ năng đọc. Do đó, nhóm càng quyết tâm mở rộng quy mô và gia tăng hoạt động cho đa dạng, hiệu quả.

"Lang thang có nghĩa là đi khắp nơi, khám phá, trải nghiệm và học hỏi. Community+ là một cộng đồng luôn đi lên, lớn mạnh. Đó là định hướng và giá trị mà chúng tôi muốn hướng đến - không ngừng tìm tòi chân trời mới, không chỉ qua sách mà còn qua trải nghiệm đa chiều của cuộc sống" - Phước bộc bạch.

Với phương châm "Đi để đọc, đi để học, đi để nhìn đời", LT+ đã tiếp cận đông đảo bạn trẻ qua hơn 15 sự kiện về văn hóa đọc. Từ đó, nhóm khuyến khích nhiều người tự do khám phá thế giới tri thức, chia sẻ và cùng nhau phát triển. Thành viên, cộng tác viên LT+ cũng thường xuyên tham gia các chiến dịch phục vụ xã hội như: thu gom rác thải; ươm mầm tri thức, quyên góp quỹ dạy học cho trẻ em vùng cao...

Phần thi thuyết trình tại chung kết cuộc thi “Sáng kiến Văn hóa đọc bền vững 2024”. (Ảnh: QUỐC THẮNG)

Công nghệ tạo bệ phóng

Cuộc thi "Sáng kiến Văn hóa đọc bền vững 2024" diễn ra trong vòng hơn 2 tháng, với hình thức khảo sát thực địa kết hợp đề xuất những sáng kiến cộng đồng. Mỗi đội đưa ra một sáng kiến, với sự hỗ trợ của các cố vấn khách mời cũng như ban tổ chức. Trong quá trình thi, thí sinh được tham gia các buổi đào tạo, bổ sung kiến thức và có thêm trải nghiệm thiết thực.

Điểm sáng của cuộc thi không chỉ ở số lượng khi có đến vài chục dự án từ khắp mọi miền đất nước gửi về, mà còn ở chất lượng. Nhiều nhóm đang là học sinh phổ thông mà đã đầu tư nội dung kỹ lưỡng, trình bày ý tưởng rất thú vị, đầy sự sáng tạo. Các bạn trẻ linh hoạt tận dụng những tiện ích của thời đại số để nghiên cứu, thu thập dữ liệu, quảng bá ý nghĩa dự án đến gần các nhóm đối tượng mục tiêu hơn.

Các đội thi vào chung kết đều có sáng kiến mới mẻ, có tính khả thi cao và đầy tính nhân văn. Trong đó, nhóm "Chuông gió" đóng góp sáng kiến "Sách Pop Up dành cho trẻ mắc chứng tăng động - giảm chú ý (ADHD) từ 4 - 6 tuổi". Cụ thể là "hô biến" sách giấy bình thường trở nên sinh động hơn qua tranh 3D, sử dụng thêm âm thanh và một số chất liệu, tạo cảm giác chân thật cho trẻ khi tiếp xúc con vật trong sách, giúp các em sử dụng được phần lớn giác quan.

Sáng kiến "Ươm mầm Sen Việt" (Dự án "Chèo 48H - Tôi chèo về quê hương") hướng đến việc giáo dục phát triển kỹ năng cho sinh viên. Dự án "Cũ đổi xanh - Change life" mang mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và xã hội - tham gia các nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần giáo dục truyền thông giới trẻ về văn hóa đọc, gồm: ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc, từ đó hình thành thói quen, sở thích và nâng cao kỹ năng đọc, đề cao văn hóa đọc xanh, bảo đảm công bằng xã hội.

Đội Booklevers - CLB Sách và hành động - Trường THPT Nguyễn Quang Diệu (tỉnh Đồng Tháp) đem đến sáng kiến "10 phút đọc sách" - một phần quan trọng trong chương trình giáo dục mới, nhằm rèn luyện "7 thói quen hiệu quả" cho học sinh. Mỗi sáng, học sinh dành ra 10 phút đầu giờ để đắm chìm trong thế giới sách, khơi dậy đam mê đọc và phát triển tư duy...

Ban tổ chức nhấn mạnh sẽ đồng hành cùng các đội không chỉ trong mà còn sau cuộc thi, "cùng làm, cùng các bạn trải nghiệm và cống hiến".

Thời gian qua, tại 2 điểm hẹn tri thức quen thuộc là Đường Sách TP HCM và Đường Sách TP Thủ Đức, các chương trình "Du hành cùng sách", "Mừng sinh nhật với sách"... do đội ngũ nhân sự trẻ trung, giàu năng lượng sáng tạo thực hiện đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả trẻ.

Có thể nói, vai trò của thế hệ trẻ, nhất là các bạn gen Z, có ý nghĩa rất lớn trong việc nhân rộng những cách làm hay để khuyến đọc, bồi dưỡng đời sống văn hóa - tinh thần cho cộng đồng và xã hội. Những việc làm như vậy của người trẻ cần được hỗ trợ, cổ vũ để phát huy tối đa ý nghĩa đáng quý. 

Trong khuôn khổ chuyến học tập kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc tại Ý và dự Hội sách Frankfurt 2024 ở Đức, đoàn công tác của TP HCM đã đến thăm và làm việc với Ban Tổ chức Hội sách Bologna. Bologna Bookfair là hội sách thiếu nhi lớn nhất thế giới với hơn 60 lần tổ chức. Đoàn công tác của TP HCM cũng đã đến thư viện Salaborsa - thư viện công cộng đa phương tiện của TP Bologna, để tham khảo mô hình phòng đọc và các hoạt động trong việc thúc đẩy văn hóa đọc.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết thành phố đã thông qua kế hoạch xây dựng thư viện sách thiếu nhi ngay trong khuôn viên Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM, với diện tích 4.400 m2. Đây là công trình của TP HCM chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguồn: BTV
Lượt xem: 1019
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin