Đi để giao lưu, học hỏi
Hội sách Frankfurt là hội sách quốc tế lớn nhất thế giới, tổ chức thường niên vào tháng Mười, thu hút đông đảo nhà làm sách, tác giả và bạn đọc các nước tham dự. Đây là năm thứ hai TPHCM có gian hàng riêng tại hội sách, với sự tham gia của đại diện các đơn vị: Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM, NXB Trẻ, Đường sách TPHCM…
Ông Trịnh Hữu Anh - Trưởng phòng Xuất bản - In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết, gian hàng sẽ trưng bày trên 200 đầu sách cùng những hình ảnh/tư liệu/video về ngành sách Việt Nam. Cùng với những tựa sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…, các xuất bản phẩm nổi bật về văn hóa, kinh tế, giáo dục Việt Nam sẽ được giới thiệu với bạn bè quốc tế dịp này.
Một trong số ấn phẩm đồ sộ đáng chú ý sẽ có mặt tại Frankfurt năm nay là Lịch sử Việt Nam bằng hình (Đông A vừa phát hành). Sách gồm 2.000 tranh, ảnh minh họa và bản đồ, với 14 chương phác họa toàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử. Cuốn sách cũng trình hiện các giai đoạn văn hóa và giá trị giàu bản sắc của dân tộc Việt. Ở lần tham gia gian hàng đầu tiên của đoàn TPHCM tại Hội sách Frankfurt vào tháng Mười năm ngoái, chuỗi ấn phẩm giới thiệu về Sài Gòn - Gia Định - TPHCM với gần 300 tựa sách đã được trưng bày.
Trở lại với hội sách lần này, đoàn công tác cũng sẽ tham dự các hoạt động tại Frankfurt: tọa đàm về các vấn đề bản quyền, phát hành, sách điện tử…; thăm và tặng sách cho cộng đồng người Việt tại Đức. Cùng với đó là các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại Hội sách thiếu nhi Bologna (Ý). Chuyến đi được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá về mô hình/cách thức tổ chức các sự kiện văn hóa đọc từ nước bạn để áp dụng linh hoạt tại TPHCM.
Đón chờ cơ hội
Mỗi kỳ hội sách Frankfurt đều thu hút hàng ngàn đơn vị làm sách trên thế giới và đây là cơ hội cho giới xuất bản giao lưu văn hóa, giao dịch bản quyền. Từ các hội sách quốc tế, nhiều tựa/bộ sách hay được nhà làm sách Việt phát hiện và mua bản quyền chuyển ngữ. Tuy nhiên, hiếm khi có được điều đó ở chiều ngược lại. Tham gia gian hàng tại Frankfurt hay các hội sách khu vực khác, phía Việt Nam chủ yếu trưng bày sách và giao lưu văn hóa.
Tại Hội sách Frankfurt lần thứ 75-2023, sách Việt chỉ có 1 tựa được chọn vào danh mục The White Ravens - dành cho tác phẩm quốc tế được chú ý nhất trong năm: Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương (NXB Kim Đồng). Trước đó là Lĩnh Nam chích quái và Cái Tết của mèo con (Nguyễn Đình Thi). Rất nhiều tựa/bộ sách nổi bật, best-seller hoặc được vinh danh tại các giải thưởng trong nước được nhà làm sách mang ra thế giới. Tuy nhiên, để có cơ hội được đơn vị làm sách các nước mua bản quyền vẫn còn là một hành trình dài, cần nhiều nỗ lực. Việc chưa thể có những phiên bản tiếng Anh cho các ấn phẩm cũng là rào cản lớn trong giao dịch bản quyền với các nước.
Tham gia gian hàng tại Frankfurt là một trong những nấc thang đầu để hướng đến việc Việt Nam có thể trở thành khách mời danh dự tại hội sách này trong những năm tiếp theo. “Để được trở thành khách mời danh dự tại Hội sách Frankfurt, mỗi quốc gia phải tham gia gian hàng liên tục ít nhất 5 năm. Sau đó còn phải dựa trên kết quả bốc thăm, lựa chọn của ban tổ chức theo từng khu vực” - ông Trịnh Hữu Anh cho biết thêm.
Trở thành khách mời danh dự cũng có nghĩa là quốc gia đó sẽ có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu sách, quảng bá và tham dự các cuộc giao lưu đối thoại; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc cùng kết nối quan hệ đối ngoại - hợp tác với các nước. Ở khu vực Đông Nam Á, cho đến nay, chỉ có Indonesia là khách mời danh dự tại Frankfurt (năm 2015). Năm nay, Ý là quốc gia khách mời danh dự và Philippines sẽ là quốc gia Đông Nam Á thứ hai trở thành khách mời danh dự tại Hội sách Frankfurt vào năm 2025.
Hành trình đến Frankfurt nói riêng hay tham gia các hội sách quốc tế/khu vực nói chung đều góp phần mở ra những cơ hội mới cho sách Việt ra thế giới. “Dấu ấn Việt Nam” đã được nhìn thấy từ các hội sách quốc tế Frankfurt, Saint Petersburg, La Habana, CODEX… Rất nhiều tác phẩm nổi bật đã được giới thiệu đến bạn bè quốc tế: Búp sen xanh (Sơn Tùng); Hà Nội - Cõi đất, cõi người và Hà Nội - Phong tục, văn chương (Nguyễn Vĩnh Phúc); Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt (Lê Minh Quốc)…; cùng nhiều tựa sách của nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, Nguyễn Đình Tư, Nguyễn Việt Hà… Sách Việt đã và đang có nhiều cơ hội và kỳ vọng trên hành trình ra thế giới trong tương lai gần.