Hiện nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang là cơ hội lớn, là "chìa khoá" tạo đột phá cho ngành xuất bản tiếp tục vai trò, sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới.
"Chìa khoá" tạo đột phá
Trong bối cảnh toàn cầu đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền tri thức khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin của công dân toàn cầu. Cũng như đa số các lĩnh vực khác, bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0, xuất bản sẽ là lĩnh vực chịu nhiều tác động, mà nếu biết tận dụng thì sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực.
Ở Việt Nam, với dân số khoảng 100 triệu người và tỉ lệ người sử dụng Internet ở Việt Nam theo thống kê của Wearesocial, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% dân số, Internet và các thiết bị thông minh đang trở thành phương tiện chủ yếu để người đọc tiếp cận với thông tin nói chung và sách nói riêng khi Việt Nam có khoảng 130 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng, trong đó đang có khoảng 30 triệu người sử dụng điện thoại di động thông minh hàng ngày. Sự phát triển nhanh chóng đó, vào thời điểm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với công cuộc chuyển đổi số càng có tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản của nước ta. Ngành xuất bản của Việt Nam đã có nhiều đổi mới về công nghệ, phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức, trong đó có hình thức xuất bản điện tử, đặc biệt là việc thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó có xuất bản phẩm điện tử (Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/6/2020 phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”).
Có thể thấy, xuất bản điện tử đã và đang trở thành một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của ngành. Hiện nay cả nước có 31 nhà xuất bản (NXB) xuất bản điện tử, chiếm 54% số NXB, 27 cơ sở phát hành phát hành điện tử, mỗi năm xuất bản được 4.000-4.500 đầu sách, chiếm trên 12,5% tổng số sách/năm. Sách dạng đọc, sách nói và sách multimedia, trong đó doanh thu toàn thị trường sách nói ước đạt khoảng 120-130 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu toàn ngành. Ngoài phiên bản sách, một số doanh nghiệp phát triển các sản phẩm tóm tắt sách trên các nền tảng.
Sự chuyển mình của ngành xuất bản còn được thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng xuất bản phẩm điện tử. Cách đây 9 năm (năm 2015) mới có hơn 1.000 đầu sách điện tử được xuất bản thì năm 2022, toàn ngành có 3.200 đầu sách và năm 2023 là 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022. Một số NXB đã liên kết với các công ty công nghệ có năng lực, trình độ công nghệ cao xây dựng các phần mềm, hệ điều hành xuất bản điện tử hiện đại áp dụng vào hầu hết các khâu trong quy trình xuất bản, sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại không chỉ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của đơn vị mà còn mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ nền tảng cho nhiều đơn vị trong ngành.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng đang từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, mà thấy rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện.
Thực tế, chuyển đổi số đang mang đến cho ngành xuất bản không ít cơ hội, từ mở rộng thị trường; tăng cường tương tác với độc giả, tác giả, dịch giả; cá nhân hóa trải nghiệm đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý; sách nói dễ dàng tiếp cận độc giả trên toàn thế giới. Trong khi các nền tảng thương mại điện tử giúp khách hàng thoải mái lựa chọn, so sánh giá cả và đặt mua sách nhanh chóng, tiện lợi; đồng thời giúp đơn vị xuất bản giảm chi phí vận hành, tăng cường tương tác với khách hàng. Sự phát triển nhanh về số lượng NXB phát hành sách điện tử cho thấy chuyển đổi số đang là lựa chọn được quan tâm nhất hiện nay.
Cơ hội đi cùng thách thức
Sự phát triển của công nghệ số giúp các đơn vị xuất bản có thêm nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Đầu tiên, cũng là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số của ngành xuất bản là việc xây dựng một hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Việc quản lý lượng lớn dữ liệu đa dạng, từ văn bản đến hình ảnh, âm thanh, trong một môi trường thống nhất đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nhân lực. Để giải quyết những thách thức này, các NXB cần đầu tư vào các hệ thống quản lý thông tin chuyên dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, đào tạo nhân lực và đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác công nghệ cũng là một giải pháp hiệu quả để tận dụng những tiến bộ của công nghệ.
Là các doanh nghiệp hoạt động lâu năm theo mô hình nhà nước và trực thuộc cơ quan nhà nước, việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số phù hợp với NXB vốn cũng là một lựa chọn khó khăn. Nếu chuyển đổi số theo mô hình đề án và sử dụng nguồn kinh phí nhà nước thì các vấn đề về thủ tục và chủ trương đầu tư sẽ là yếu tố chính dẫn đến việc kéo dài thời gian và làm chậm trễ quá trình chuyển đổi. Nếu tự đầu tư thì chi phí xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi nguồn nhân lực là một thách thức lớn đối với họ.
Thách thức cũng đang là mối quan ngại không nhỏ đối với ngành xuất bản và xã hội nói chung là tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng mạng. Các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động, vừa kinh doanh vừa ẩn dưới danh nghĩa phục vụ bạn đọc miễn phí, có nền tảng còn ngang nhiên đổi tên người dịch để tránh bị phát hiện; Bán sách lậu, sách giả thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; Phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội để tăng tương tác, tóm tắt, đánh giá (review) sách… Chính tình trạng vi phạm bản quyền này khiến công tác bảo hộ bản quyền trên không gian mạng vẫn gặp nhiều khó khăn. Bất chấp những nỗ lực từ cơ quan quản lý, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi.
Nhìn chung, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành xuất bản cũng có thuận lợi nhất định như được Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý xuất bản tạo điều kiện, có cơ chế khuyến khích xuất bản điện tử. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những nguyên nhân: thiếu kinh phí đầu tư, trình độ nhân lực hạn chế, tư duy thụ động, khâu kết nối với các lĩnh vực khác còn kém, tình trạng vi phạm bản quyền; an toàn, an ninh mạng, dữ liệu, dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng... chính là mối lo, rào cản cho nhiều đơn vị muốn phát triển xuất bản điện tử, dẫn tới tình trạng chậm trễ trong chuyển đổi số của ngành xuất bản hiện nay.
Ngoài ra, chuyển đổi số trong ngành xuất bản cũng đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với đội ngũ nhân sự. Thách thức lớn nhất nằm ở việc thích ứng với công nghệ và tư duy số. Các biên tập viên, nhà thiết kế, và nhân viên kinh doanh truyền thống cần không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng để làm việc với các phần mềm, công cụ số hóa. Đồng thời, họ phải thay đổi tư duy từ làm việc theo cách truyền thống sang làm việc trong một môi trường năng động, linh hoạt và sáng tạo hơn./.