Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10 và đồng hành cùng TPHCM thúc đẩy các chương trình kết nối chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Giới thiệu công nghệ mới
Sự kiện tổ chức ngày 12 và 13-9, tại Tân Sơn Nhất Pavillon (quận Phú Nhuận). Tech4Life là sự kiện công nghệ thường niên tại TPHCM, hướng đến giới thiệu các sản phẩm, nền tảng, giải pháp, thiết bị công nghệ thông minh, cập nhật các xu hướng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống. Sự kiện góp phần hỗ trợ người dân, chính quyền và doanh nghiệp khu vực TPHCM tiếp cận, ứng dụng các xu thế công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số tổ chức, thông minh hóa cuộc sống của con người.
Tech4life 2024 bao gồm nhiều hoạt động như: Gian hàng triển lãm công nghệ trưng bày thiết bị, giải pháp công nghệ hiện đại đến từ hơn 50 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Song song đó là các phiên hội thảo chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm giải pháp về sản xuất xanh - thông minh, AI in Smart Life và AI in Smart Work nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng AI, chuyển đổi số một cách cụ thể và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Thắng, thành viên Hội đồng sáng lập VINASA cho biết, trong những năm qua, chuyển đổi số đã thấm sâu vào từng cá nhân, từng hộ gia đình, từng tổ chức và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ đã trở thành chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và chuyển mình.
“Tech4life năm nay tập trung giới thiệu và trình diễn các sản phẩm thiết bị và giải pháp công nghệ đột phá mới. Đồng thời giới thiệu các nền tảng, giải pháp số hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với xu hướng chuyển đổi xanh, tận dụng AI, IoT, phân tích dữ liệu của doanh nghiệp và thành phố hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh trong tương lai” ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.
Hướng đến tăng trưởng xanh
Cùng với xu hướng chung của thế giới, TPHCM đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu về phát triển kinh tế bền vững về môi trường, công bằng về xã hội và hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon. Trong đó, thành phố đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, nhằm nỗ lực xây dựng một môi trường sống, làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM chia sẻ, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Đến năm 2030, TPHCM phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
TPHCM đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Cuối năm 2022, Thành phố đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2030. Thành phố cũng đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
“Tầm nhìn đến năm 2030, TPHCM phấn đấu trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Hiện thành phố đang triển khai nghiên cứu Khung chiến lược tăng trưởng xanh đến 2030, tầm nhìn 2050, TPHCM tập trung 4 trụ cột: Nguồn lực xanh (nhân lực trình độ cao, tài chính xanh, kết nối/hợp tác xanh); hạ tầng xanh (chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch – tiết kiệm nước, tuần hoàn tài nguyên); hành vi xanh (tiêu dùng xanh, giao thông xanh, xây dựng xanh)”, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh.