image Tin hoạt động Báo chí
THƯ TỊCH CỔ TRUNG HOA THỪA NHẬN HOÀNG SA – TRƯỜNG SA THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
Thứ 3, Ngày 24/03/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Vào ngày 16/3 vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý lợi dụng dịch Covid-19 đồng thời mượn cớ tri ân người Ý bằng việc đăng bức vẽ chứa “đường lưỡi bò phi pháp” ở Biển Đông trên trang Facebook chính thức (có dấu tick xanh) của cơ quan đại diện ngoại giao đã ngay lập tức bị cộng đồng mạng trên phạm vi toàn cầu lẫn Việt Nam đồng loạt lên tiếng phản đối. Bởi vì, đường lưỡi bò này đã bị Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) bác bỏ trong phán quyết năm 2016.

Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái phép về đường lưỡi bò hòng độc chiếm Biển Đông.

Trước đó, vào hôm 2/3, theo tường thuật của báo điện tử Thanh Niên Online, trong bài đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, “đường lưỡi bò” cũng được cài vào một cách tinh vi trong tấm hình cuối bài và dĩ nhiên công luận và cộng đồng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam nhanh chóng phát hiện, để lại bình luận phản đối cũng như đề nghị chính phủ Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có thể thấy rằng, các luận điệu áp đặt dư luận cũng như chiến lược tuyên truyền ngang ngược về “đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp” của Trung Quốc dạo gần đây nhằm đánh lận con đen cái gọi là chủ quyền tại Tây Sa và Nam Sa vốn là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam đang dần trở nên lạc lõng bởi ngay trong chính sử Trung Hoa của 22 thế kỷ - từ các đời vua nhà Tần, Hán cho đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai - chưa từng có đoạn ghi chép, cứ liệu nào qua đó xác nhận rằng biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Thậm chí, theo giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, đã có không ít tài liệu, thư tịch cổ của chính người Trung Hoa qua các thời ghi chép lại, đã thừa nhận một sự thật hiển nhiên là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đơn cử, các tài liệu, sách sử Trung Hoa đều khẳng định hầu hết giai đoạn nhà Tần, Hán và Minh thường chỉ chú trọng việc khai phá con đường tơ lụa hướng về Ấn Độ, châu Phi và vùng Trung Đông, chủ yếu dùng đường biển để giao thương ra thế giới, chứ không phải là các hành động “xâm nhập quy mô” và chinh phục biển Đông. Hay nói cách khác, khi ấy, Trung Hoa chỉ đi ngang qua biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương và vùng biển Ả Rập.

Đơn cử, sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư phiên chí cũng đã nêu ra một số sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Đó là, vào năm 111 Trước Công nguyên (TCN), sau khi thôn tính Nam Việt thì “Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Trong thế kỷ thứ nhất TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam, và tới đời nhà Lương và nhà Tùy (cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII) thì các triều đại Trung Hoa mới đặt lại quyền cai trị”.

Nhà sử gia Triệu Như Quát cũng chú giải rằng: ở thời điểm lúc bấy giờ, vùng biển Hoàng Sa (hay còn gọi là Vạn lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, các tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì nếu lỡ đi sai một tí là có thể bị chìm, đắm.

Ngay ở tựa sách Chư phiên chí, cũng đã thể hiện rõ nội dung của sách là chép chuyện ở phiên quốc, nước ngoài. Vạn lý Trường Sa, theo Chư phiên chí, rõ ràng nằm ở phiên quốc Nam Việt, chứ không nằm trong “nội địa” Trung Hoa. Điều đó có nghĩa là, ở đời nhà Hán, biên giới trên biển Đông của Trung Hoa chỉ dừng lại tại đảo Hải Nam.

Còn ở đời nhà Đường, sách Đường thư nghệ văn chí có đề cập đến cuốn Giao Châu dị vật của Dương Phu ghi ghép, và trong những câu chuyện kỳ dị và địa danh kỳ dị tại Giao Châu (tức Việt Nam ngày nay) có nhắc đến Thất Châu Dương thuộc nhóm đảo An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa (hiện đang bị Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng và cải tạo trái phép) là nơi có nhiều bãi đá nam châm khiến tàu thuyền nước ngoài khó đi qua.

Hay như, ở đời Nam Tống, cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phí cũng xác nhận rằng Vạn lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ Dương, và điều này lại tiếp tục được đề cập trong cuốn Chư phiên tổ cũng được xác lập ở đời Tống.  Cụ thể, khi này, giới hạn lãnh thổ của Trung Hoa với các nước khác là ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương, tức Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam ngày nay). Trong khi đó, có một sự thật không thể nào chối cãi rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại nằm cách Vịnh Bắc Bộ hàng trăm dặm về phía Nam, do đó chính thư tịch cổ đời nhà Tống đã khách quan khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là vùng lãnh thổ, là chủ quyền không phải của Trung Quốc, mà thuộc một đất nước khác mang tên Giao Chỉ (hay Giao Châu) là tiền thân của nước CHXHCN Việt Nam chúng ta ngày nay.

Ở đời nhà Nguyên, trong sách Quản Như đồ của La Hồng Tiên có in Dư địa đồ đời Nguyên của Chu Tư Bản thực hiện năm 1361 vẽ phần cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Đến các thời nhà Minh, các tài liệu như Thiên hạ thống nhất chi đồ trong Đại Minh nhất thống chí (1461), Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ trong Hoàng Minh chức phương địa đồ (1635) cũng đã vẽ phần cực Nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam. Chưa dừng lại ở đó, các bản đồ hàng hải của đô đốc Trịnh Hòa cũng không lần nào nhắc đến hai cái tên Hoàng Sa và Trường Sa dù ông này từng 7 lần đi qua biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương. Ở giai đoạn này, biển Đông được các tài liệu, sử sách Trung Hoa gọi là Giao Chỉ Dương.

Bản đồ thời nhà Minh cũng chỉ rõ giới hạn cực Nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam

Thậm chí, các tài liệu chính sử của nhà Minh cũng biên rõ ràng rằng: từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường của đất nước Chiêm Thành vốn sau này trở thành lãnh thổ của nước Đại Việt (tức Việt Nam).

Tiếp đó, giai đoạn từ thế kỷ XVII đến XX, theo bản đồ Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến thế kỷ XIX thì lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết. Đến thế kỷ XX, ngay trong cuốn sách giáo khoa xuất bản năm 1906 là Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư có đoạn “điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”.

Bản đồ Hoàng triều dư địa cũng xác định cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam

Được biết, các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam (Trung Quốc) kéo dài từ vĩ tuyến 20 (ngay Thanh Hóa của Việt Nam) đến vĩ tuyến 18 (ngang Nghệ An – Hà Tĩnh, Việt Nam), trong khi đó quần đảo Hoàng Sa tọa lạc ở phía nam, từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15. Thậm chí, quần đảo Trường Sa được giới hạn trong các đường vĩ tuyến 12 và 8.

Do đó, cùng với các bản đồ, sách chuyên khảo khác cũng được chính phía Trung Quốc ấn hành trong triều Thanh như Đại Thanh đế quốc, Hải quốc đồ ký (1820-1842),  Đại Thanh nhất thống chí (1842) đều chưa từng chưa đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa, thay vào đó trong bộ Hải quốc đồ ký, cuốn Hải lục của Vương Bình Nam có chép rằng “Vạn lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Tựu trung, mọi tài liệu của nhà Thanh đều thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam.

Bản đồ Đại Thanh đế quốc trong sách Đại Thanh đế quốc toàn đồ, năm 1908 (tức Tuyên Thống nguyên niên) do Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành (trái), và bản đồ tỉnh Quảng Đông với cực Nam là đảo Hải Nam.

Trong giai đoạn này, có sự kiện ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa trong những năm 1895-1896 và khi đó phía Trung Quốc từng “lớn tiếng” phủ nhận trách nhiệm với lý do “Hoàng Sa không liên hệ gì đến Trung Quốc”.

Ngoài ra, cũng trong thời nhà Thanh, bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904) thể hiện rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề minh họa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (1904) khẳng định Trung Quốc không hề có chủ quyền tại Hoàng Sa lẫn Trường Sa, bởi cực Nam của tỉnh Quảng Đông nói riêng và cả Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.

Được biết, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (tức toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) là tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1905 và tái bản năm 1910. Đây là một trong những tập bản đồ Trung Quốc được vẽ và ấn hành vào cuối triều Thanh, phản ánh nhận thức đương thời của người Trung Quốc, quan chức, học giả đối với cương giới, lãnh thổ Trung Quốc thời điểm đó. Loạt bản đồ trong thời kỳ nhà Thanh này cũng đã được nhiều quốc gia nước ngoài khác tổng hợp, và in trong các tài liệu khảo cứu sau đó.

Thay lời kết: Sử sách và thư tịch cổ từ các thời nhà Tần nhà Hán đến tận trước năm 1909 không hề nhắc gì đến Hoàng Sa - Trường Sa, thậm chí là Nam Sa hay Tây Sa như cách Trung Quốc thường gọi trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Trung Quốc từ trước đến nay luôn được đánh giá là quốc gia cẩn thận bậc nhất về ghi chép lại sử tịch. Do đó, việc 24 bộ chính sử của nước này cũng như các bản đồ tương ứng qua các giai đoạn lịch sử ấy chưa từng nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa chính là bằng chứng được ghi chép khách quan và tôn trọng sự thật về Hoàng Sa - Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam.

Phòng Báo chí 
 

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 27816
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin