image Tin hoạt động Báo chí
Sắt son truyền thống không khuất phục trước ngoại bang, kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo
Thứ 5, Ngày 05/12/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Trước đại diện cử tri cũng như nghị trường Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ khẳng định rằng cái gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc thì không bao giờ nhân nhượng, tinh thần là quyết chiến, quyết thắng, bởi trong lịch sử dựng nước và giữ nước thì cha ông ta, những bậc tiền bối chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang.

Cụ thể, vào chiều ngày 8/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp.

Theo người đứng đầu Chính phủ, mỗi kỳ họp Quốc hội là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, cũng là dịp nhận diện rõ hơn những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết để tiếp tục đạt được những thành tựu lớn hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV (Ảnh: TTXVN)

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta, những bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ khuất phục trước ngoại bang, chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn, gian khổ. Tiếp nối truyền thống đó, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xã hội bình yên, thịnh vượng…

Báo cáo làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng “nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng Biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta.”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng Biển nước ta. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Những gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc, ta không bao giờ nhân nhượng

Trước đó, vào sáng ngày 15/10/2019, tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Trung ương 11 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) đã dành một buổi nghe báo cáo vấn đề đối ngoại để tạo sự thống nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng cái gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc, ta không bao giờ nhân nhượng, tinh thần của ta là quyết chiến, quyết thắng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Thái, Trần Thị Phương Hoa tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ, thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: quochoi.vn)

Cũng theo đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các nước có quan hệ đối ngoại rất tốt nhưng với mỗi khu vực, địa bàn riêng có phức tạp riêng của nó, đặc biệt vấn đề biên giới, biển đảo nói chung; phải đặt vấn đề này trong tổng thể vì quan hệ, giữ vững môi trường ổn định, kiên quyết kiên trì giữ vững độc lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, xử lý mối quan hệ này không đơn giản, nặng về bên nào cũng bị phê phán cả. Đây là lợi ích của quốc gia dân tộc nhưng không có nghĩa là ta nhân nhượng bất cứ cái gì.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 diễn ra vào sáng 7/10/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng đã kêu gọi các chuyên gia phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

“Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra”, đây là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, phía Trung Quốc liên tục có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Kiềm chế nhưng phải kiên quyết

Trước những hành động sai trái của Trung Quốc, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam chủ trương thận trọng, theo dõi sát sao mọi hoạt động của phía Trung Quốc và có phản ứng phù hợp với tình hình trên thực địa.

Các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau mỗi lần Trung Quốc có hành động leo thang được cộng đồng quốc tế lẫn người dân trong nước nhận định là cụ thể và cương quyết hơn. Thậm chí, vấn đề biển Đông cũng đã lần đầu tiên được đại diện Chính phủ Việt Nam mang ra nghị trường Liên Hiệp Quốc.

Cụ thể, vào hôm 29/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu của ông tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng LHQ (Ảnh: TTXVN)

Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương”. Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.”

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định rằng, nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982.

“Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu quan điểm.

Có thể khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh mong muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thái độ rõ ràng, dứt khoát đối với một trong những vấn đề hệ trọng không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn cả hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không của khu vực và trên thế giới đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Nguồn: Phòng Báo chí- Sở TTTT TPHCM 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 58197
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin