image Tin hoạt động Báo chí
NGÀNH Y THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ SỰ CHỦ ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Thứ 5, Ngày 27/02/2020, 08:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Ngay từ những ngày đầu năm 2020 cho đến nay, trước sự lây lan của dịch viêm phổi cấp Covid-19 vốn khởi phát từ tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc, cùng với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam nói chung và ngành y tế các địa phương trên cả nước riêng đã và đang “tăng tốc” với tất cả nguồn lực tại chỗ (nhân lực, trí lực, tài lực,…) để chủ động tạo ra thế trận hiệu quả nhằm phòng, chống cơn dịch bệnh toàn cầu.

Là địa phương sớm ghi nhận và phát hiện được 3 trường hợp cá nhân (đều là người nước ngoài đến Thành phố du lịch, thăm thân nhân) nhiễm Covid-19, TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên công bố chữa trị thành công ca nhiễm Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại - ngày 27/2, cả 3 ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trên địa bàn TP.HCM đã lần lượt được chữa khỏi, xuất viện sau thời gian được cách ly, thăm khám theo quy định tại Bệnh viện Chợ Rẫy (2 ca) và Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM (1 ca).

Chiều ngày 21/2/2020, UBND TP.HCM đã trao tặng bằng khen đột xuất cho tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong công tác chẩn đoán và điều trị thành công các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, tức Covid-19.

Đại diện lãnh đạo UBND và Sở Y tế TP.HCM tại buổi khen thưởng bệnh viện Chợ Rẫy và Nhiệt Đới TP.HCM

DẬP DỊCH TỪ ĐẦU, KHÔNG LƠ LÀ

Có thể khẳng định rằng, ngành y tế TP.HCM không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo y tế dự phòng do Trung ương (Chính phủ, Bộ Y tế,…) ban hành, mà còn chủ động tham mưu cho thường trực UBND TP.HCM triển khai cho các đơn vị Sở - Ban - ngành, quận – phường trên toàn địa bàn các giải pháp căn cơ, tại chỗ nhằm giám sát chặt chẽ sự lây lan của dịch bệnh.

Đơn cử, Sở Y tế TP.HCM hôm 3/2 đã tham mưu cho UBND TP.HCM triển khai xây dựng hai bệnh viện dã chiến tại xã Nhuận Đức, Huyện Củ Chi và xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè với tổng quy mô 500 giường bệnh nhằm sẵn sàng ứng phó, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, cách ly, chăm sóc, thăm khám các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 hay có triệu chứng mắc/nhiễm sau đó. Đến ngày 10/2, Bộ Tư lệnh và Sở Y tế đã chính thức đưa vào vận hành bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường theo kế hoạch tại Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM, với đầy đủ yêu cầu của một bệnh viện, từ giường bệnh, trang thiết bị y tế cho đến nước thải y tế.

 

Bệnh viện dã chiến huyện Củ Chi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/2 (Ảnh: Tuoitre/Zing)

Tại nhiều quận - huyện trên địa bàn, ngành y tế TP.HCM cũng triển khai các bệnh viện dã chiến với quy mô phù hợp nhằm đảm bảo cơ số phòng cách ly theo quy định, sẵn sàng ứng phó những trường hợp xấu nhất về sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng.

Với quan điểm không lơ là – không chủ quan, ngành y tế TP.HCM cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như ngành Công an, Hải quan, Lao động – Thương binh & Xã hội, Du lịch, Giáo dục trong việc lập danh sách quản lý, giám sát chặt số người đến địa phương từ các vùng dịch trong nước lẫn quốc gia nước ngoài, từ đó triển khai các biện pháp cách ly tại chỗ hay cách ly tập trung theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, qua đó đảm bảo hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng dân cư, nơi cư trú.

Quan điểm này cũng đã được đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM một lần nữa nhấn mạnh tại buổi họp liên tịch về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều tối ngày 25/2, đó là vai trò của cấp quận - huyện, phường - xã trong việc phát hiện, ngăn chặn, cách ly ngay từ đầu những người có nguy cơ bệnh. Trước đó, vào hôm 3/2, người đứng đầu Đảng bộ Thành phố cũng từng định hướng rằng Thành phố phải quyết liệt, không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch, cần  đặt vấn đề cần cách ly, theo dõi những người từng đi qua các vùng dịch về Việt Nam.

Cùng quan điểm phải cách ly triệt để nguồn lây nhiễm, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định rằng, là nơi giao thương của nhiều quốc gia đến mua bán, làm ăn, tham quan, du lịch, do vậy nhiệm vụ sắp tới của toàn hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể, địa phương là hết sức nặng nề mới có thể ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

TRUYỀN THÔNG ĐẾN TẬN HỘ GIA ĐÌNH

Đề cao vai trò của công tác y tế dự phòng và sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, ngay từ những ngày đầu triển khai công tác phòng - chống dịch Covid-19, ngành y tế TP.HCM đã phối hợp với các cơ sở quận – huyện thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân thông qua các hoạt động phát thanh, bảng tin hay tuyên truyền tại chỗ.

Tại các công ty và doanh nghiệp, khu công nghiệp và khu chế xuất, ngành y và Liên đoàn Lao động các cấp của Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các buổi xuống trực tiếp các khu nhà trọ, khu lưu trú để tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, dịch, đảm bảo vệ sinh chung tại nơi ở, nơi công cộng cũng như các phương thức thông báo đến cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm hay tổ chức, cá nhân nhiều khả năng đến địa phương từ vùng có dịch.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở Y tế, Trung tâm Bệnh tật TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã tiến hành in ấn và phát 5,4 triệu cẩm nang hỏi đáp về bệnh do Covid-19 gây ra, trong đó có 200.000 bản tiếng Anh và 200.000 bản tiếng Trung phát cho các công ty lữ hành du lịch, các điểm có khách du lịch đông và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM.

Cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm hô hấp cấp Covid-19

Đồng chí Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho hay, nội dung cẩm nang có nhiều thông tin hữu ích như bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới là gì, nguồn gốc bệnh từ đâu, lây lan như thế nào, có giống với MERS-CoV hoặc SARS không, bệnh có những triệu chứng gì, nguy hiểm ra sao, cách phòng tránh lây nhiễm bệnh...

Được biết, cẩm nang này sẽ được chuyển về đầu mối là trung tâm y tế dự phòng của 24 quận, huyện và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của 24 quận, huyện để phát đến địa bàn khu dân cư, phát đến từng hộ dân.

Hơn bao giờ hết, với tất cả sự nỗ lực của ngành y tế Thành phố nói riêng và cả hệ thống chính trị TP.HCM nói chung, về cơ bản, việc phòng – chống dịch Covid-19 đang được triển khai có đồng bộ, hiệu quả và khoa học, thể hiện vai trò của một địa phương đầy trách nhiệm, của một trình độ y tế cao, hướng đến phụng sự người dân và xã hội.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2020), xin trân trọng gửi đến tập thể các y bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng, y tá, kỹ thuật viên, cán bộ và nhân viên, người lao động đang công tác trong ngành y tế TP.HCM những lời chúc tốt đẹp nhất, và hãy luôn tự hào rằng các bạn mãi là những trái tim đỏ thẫm trong chiếc áo blouse trắng.

Nguồn: Phòng Báo chí – Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

 

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 85666
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin