image Tin hoạt động Báo chí
 MỘT VIỆT NAM GẮN KẾT TRONG MỘT ASEAN VỮNG MẠNH
Thứ 5, Ngày 12/12/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Từ ngày 1/1/ 2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN. Đây là thời điểm đặc biệt, đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN và 2020 là năm Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Với ASEAN, 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới.

Khi Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2019, trao chiếc búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 (diễn ra hôm 4/11/2019), giới quan sát lại một lần nữa nhắc về câu chuyện Việt Nam và ASEAN.

Yếu tố “biến động kịch tính”

Trong bài viết “Bối cảnh mới của ASEAN và năm Chủ tịch của Việt Nam” đăng trên báo điện tử chinhphu.vn, tác giả TS. Nguyễn Ngọc Trường nhận xét rằng Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh môi trường địa - chính trị, kinh tế, an ninh đang biến động kịch tính.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha

Yếu tố “biến động kịch tích” theo TS.Nguyễn Ngọc Trường, là “các nước thành viên một lần nữa lại cảm thấy không khí cọ xát chiến lược quyết liệt chưa từng có giữa các nước lớn ngay tại Đông Nam Á và vùng biển của nó kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Vấn đề thích nghi và ứng phó hiệu quả các thách thức mới được đặt ra cho cả tổ chức và từng quốc gia thành viên”.

Vào năm 2010, khi Việt Nam tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN nhiệm kỳ 2010, chủ đề hoạt động chính được đặt ra là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”.

Trong nhiệm kỳ 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của năm ASEAN 2020.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng tôi lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của năm ASEAN 2020. Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Việt Nam trông đợi sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác để hiện thực hóa tinh thần Chủ đề của năm ASEAN 2020. Cộng đồng ASEAN đã lớn mạnh và trưởng thành vững vàng hơn 5 thập kỷ qua. Đã đến lúc chúng ta cùng đẩy mạnh tư duy, cùng hành động như một thực thể thống nhất, gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng hiệu quả và phát triển bền vững trong một thế giới biến chuyển không ngừng. Hãy tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng”.

Khái niệm “cộng đồng” được Việt Nam nhắc lại nhiều lần và giữ vững như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho hoạt động của mình tại khối.

Tại Hội nghị này, về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Gắn kết để thực sự ASEAN là một khối

Thử xem xét các yếu tố cấu thành Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020, là “Gắn kết và Chủ động thích ứng” (“Cohesive and Responsive”).

Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 (diễn ra hôm 4/11/2019)

Theo Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020, khái niệm “gắn kết” (cohesive) thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Khái niệm “gắn kết” đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN với nhiều sắc thái gồm: Gắn kết về chính trị, gắn kết về kinh tế và gắn bó giữa các xã hội.

Gắn kết là nội hàm quan trọng

Khái niệm “chủ động thích ứng” (responsive) là nâng cao năng lực thích ứng trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, nhiều thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

2020 là năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN

“Chủ động thích ứng” là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề Năm ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ hướng về phía trước của ASEAN.

“Gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa, bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết, phát triển cần gia tăng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 62760
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin