image Tin hoạt động Báo chí
Hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Thứ 2, Ngày 22/03/2021, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Bản tin thời sự của HTV

Sáng 19/3, Tiểu ban Tuyên truyền - Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 TPHCM tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tô Đại Phong; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP Lê Minh Đức cùng đại diện các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TPHCM.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Huyền Mai

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương nhấn mạnh: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương thông tin công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử

Vì vậy, ngày 20/6/2020, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp đó, ngày 14/1/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 02/CT-TTg về tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thành ủy TPHCM cũng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 14/1/2021 về lãnh đạo cuộc bầu cử trên địa bàn TPHCM.

Trên cơ sở đó, Tiểu ban Tuyên truyền của Ủy ban bầu cử TP xác định 11 nội dung tuyên truyền trọng tâm và được triển khai theo 3 đợt.

Đợt 1: Từ ngày ban hành Kế hoạch số 01/KH-TBTT (02/3/2021) của Tiểu ban Tuyên truyền đến ngày 17/4/2021: Tập trung tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy; các quy định của pháp luật, kế hoạch, hướng dẫn về bầu cử; tiêu chuẩn về ĐBQH, ĐB HĐND các cấp; quy định về giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.

Đợt 2: Từ 18/4/2021 đến 23/5/2021: Tập trung tuyên truyền tiêu chuẩn ĐBQH, ĐB HĐND; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, quyền và trách nhiệm của cử tri; các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử; công tác chuẩn bị bầu cử và tiến hành bầu cử, nhất là tuyên truyền, cổ động cho ngày cử tri đi bầu cử vào Chủ nhật -23/5/2021; dư luận trong nước và quốc tế về cuộc bầu cử.

Đợt 3: Từ 24/5/2021 đến 23/6/2021: Tuyên truyền về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tổng kết công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương đề nghị các cơ quan báo chí bám sát 11 nội dung tuyên truyền và tiến độ thời gian thực hiện; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, các chương trình phát thanh, truyền hình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp để tuyên truyền sâu rộng về cuộc bầu cử.

Trong nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh vai trò, tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cũng như cử tri cả nước góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử; Tập trung tuyên truyền kết quả bầu cử và không khí dân chủ, đúng pháp luật trong bầu cử, nhất là ý thức tự giác thực hiện quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.

Bên cạnh đó, tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng bầu cử để chia rẽ đại đoàn kết dân tộc và chống những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân…

Các cơ quan báo chí cần tổ chức, phân công cán bộ trực, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung tin, bài, phóng sự; tuyệt đối không để tình trạng sai sót, thiếu định hướng, tạo cơ hội để các thế lực thù địch, phần tử chính trị lợi dụng xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử.

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị tập huấn, các đại biểu tham dự cũng được phổ biến một số nội dung trọng tâm và những điểm mới của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, và các văn bản có liên quan.

Trình bày nội dung này, Phó Trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP Lê Minh Đức giúp các đại biểu hiểu rõ thêm về quy định và các điểm mới trong nguyên tắc bầu cử; tuổi ứng cử và tuổi bầu cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử và kinh phí tổ chức bầu cử; quy định về dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND; đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu.

Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP Lê Minh Đức trình bày một số nội dung trọng tâm và những điểm mới của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Huyền Mai

Ngoài ra, còn có các quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu nơi khác; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND… và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đinh Anh Tuấn
Lượt xem: 13419
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin