image Tin hoạt động Xuất bản, in và phát hành
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác xuất bản - phát hành và định hướng công tác cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2020
Sáng ngày 23 tháng 4 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Thứ 7, Ngày 25/04/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố và đơn vị xuất bản trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh có ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố; lãnh đạo Nhà Xuất bản Tổng hợp, Nhà Xuất bản Trẻ, Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, Công ty Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa); Phòng Báo chí - Xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy; Phòng Xuất bản, In và Phát hành - Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố.

Ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, 
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh

 

Chủ trì Hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, 2019 là năm đặt dấu ấn rất đậm nét của hoạt động xuất bản. Thứ trưởng đã đánh giá cao các cơ quan, ban ngành, nhà xuất bản, đơn vị phát hành ở Trung ương và địa phương đã tích cực, kết nối chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để hội nghị trực tuyến lần đầu tiên được diễn ra thành công.

 

Phát biểu báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, về lĩnh vực xuất bản, năm 2019, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2,700 tỷ đồng. Chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường...ngày một  phong phú và có chất lượng tốt.

 

Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, tổng số sách phát hành 440 triệu bản (tăng 1,6 % so với năm 2018). Năm 2019, cùng với việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam và chuỗi hoạt động liên quan đến Ngày Sách Việt Nam, các hoạt động triển lãm - hội chợ sách trong nước đã thu hút được đông đảo bạn đọc đến với sách, tạo nên một phong trào đọc sách mạnh mẽ trong cộng đồng.

 

Công tác triển lãm, hội chợ sách nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được các nguồn lực theo hướng xã hội hóa để tham gia một số hội chợ sách lớn trên thế giới. Đặc biệt, tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt 2019, các hoạt động và gian hàng của Việt Nam được tổ chức quy mô hơn trước. Đây là những cơ hội thuận lợi để các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành trong nước tăng cường hoạt động giao dịch bản quyền...

 

Bên cạnh những mặt tích cực, ông Nguyễn Nguyên cũng đã thẳng thắn thừa nhận về hoạt động xuất bản, phát hành hiện nay, dù lượng xuất bản phẩm có nội dung vi phạm chiếm tỷ lệ thấp và giảm so với năm 2018 nhưng tính chất, mức độ vi phạm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, trong đó có các đầu sách liên quan trực tiếp đến tư tưởng chính trị, tập trung ở một vài nhà xuất bản.

 

Một số nhà xuất bản chưa thực sự quan tâm đến việc bồi dưỡng, quy hoạch nguồn lực nhân lực biên tập viên, nhân lực lao động nhà xuất bản nên để xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc không đảm bảo chất lượng. Vẫn còn tình trạng ở một số địa bàn vẫn còn cơ sở phát hành bày bán xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chứng từ, hóa đơn hợp lệ… 

 

Để phát huy kết quả, khắc phục hạn chế của ngành Xuất bản năm 2019, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm.

 

Để làm được điều này, Thứ trưởng nhấn mạnh vào những vấn đề sau: Tập trung mọi nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Cần biến thách thức thành thời cơ, biến khó khăn thành cơ hội, tăng cường đổi mới phương thức kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để xuất bản có thể thuận lợi bước vào nền kinh tế số. Mỗi biên tập viên, người làm sách phải là những người làm công tác truyền thông để tích cực quảng bá sản phẩm sách, đưa sách đến bạn đọc.

 

Tập trung xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị - năm 2020 là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng, hoạt động xuất bản phải bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm này. Các nhà xuất bản phải tự ý thức được vai trò trách nhiệm của mình đối với việc truyền tải tri thức tới người đọc để từ đó hoạt động đúng quy định và xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị cao, chất lượng tốt.

 

Đặc biệt quan tâm tới xây dựng cơ chế, chính sách cho hoạt động phát hành, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập.

 

Nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, các công ty sách chú trọng chuyển đổi mô hình phương thức sản xuất kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường sách điện tử phát triển chưa đúng với tiềm năng và thiếu bền vững, các công ty sách cần đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử và phát hành sách điện tử. Đã đến lúc các đơn vị ngành cần chung tay xây dựng phát triển chung phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý và biên tập xuất bản để nếu dịch bệnh kéo dài có nguy cơ lan rộng các hoạt động xuất bản vẫn tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả trong điều kiện nguồn lực đầu tư riêng lẻ của mỗi đơn vị còn thấp…

 

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng sách xuất bản ngày càng phong phú đa dạng nên việc quan tâm đào tạo con người, tuyên truyền công tác tư tưởng, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng hết sức quan trọng: “Sách hay phải có biên tập giỏi. Biên tập viên gạo cội càng ngày càng ít đi, có nghĩa là có thời điểm ngắn chúng ta không quan tâm tới bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực. Các nhà xuất bản tự chủ động tìm tòi tác giả hay, biên tập viên giỏi để biên tập và trao đổi qua lại với tác giả, từ đó mới có thể cho ra mắt những cuốn sách hay. Công nghiệp xuất bản và thị trường xuất bản hình thành manh mún. Nếu đi tham dự hội chợ sách nước ngoài, thị trường sách và công nghệ làm sách vượt xa chúng ta rất nhiều...Cho nên, hình thức làm sách phải gắn liền đối tượng mới đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, nhất là sách điện tử trong điều kiện hiện nay”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh

 

Tại Hội nghị, các địa phương, đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Lao động, Nhà Xuất bản Tư pháp, Nhà Xuất bản Hà Nội…đã có một số ý kiến tham luận, đóng góp ý kiến với Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Xuất bản, In và Phát hành về một số nội dung có liên quan đến công tác quản lý Nhà nước trong năm 2019 và những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ngành trong năm 2020 ./.

 

 

 

 

Vũ Thành Trung
Lượt xem: 93472
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin