image Báo chí Thông tin tuyên truyền
HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI GẮN CHẶT VỚI NHIỆM VỤ BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC
Thứ 2, Ngày 03/02/2020, 10:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Trải qua 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) đã cùng toàn dân, toàn quân ta trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng”.

Trong nội dung trả lời phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam trước thềm Xuân Canh Tý 2020, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng “thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam; đồng thời chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân”.

Theo lời đồng chí Tổng Bí thư – Chủ tịch nước, 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hóa phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt...“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới.”

Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Văn kiện Đại hội Đảng khẳng định phương châm đối ngoại “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.

Hai nhiệm vụ đối ngoại “giữ vững môi trường hòa bình” và “bảo vệ vững chắc Tổ quốc” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu giữ vững được môi trường hòa bình, các hoạt động đối ngoại sẽ thực hiện được phương châm thêm bạn bớt thù, tức là đã đóng góp trực tiếp vào việc bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước chưa nguy. Điều này giúp khẳng định vị thế và vai trò chủ công, là tuyến đầu của công tác đối ngoại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

 Văn kiện cũng nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Phương châm “kiên quyết, kiên trì,” có nghĩa là đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không được nhân nhượng vô nguyên tắc mà phải kiên trì tận dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân..

Mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ đối ngoại “giữ vững môi trường hòa bình” và “bảo vệ vững chắc Tổ quốc” được Đảng ta vận dụng hết sức khéo léo, đầy linh hoạt trên quan điểm là nếu giữ vững được môi trường hòa bình thì các hoạt động đối ngoại đã thực hiện được phương châm thêm bạn bớt thù, tức là đã đóng góp trực tiếp vào việc bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Hơn thế, trong bối cảnh xu thế chủ lưu của các hoạt động quan hệ quốc tế vẫn là hòa bình hợp tác, Việt Nam thông qua các quan điểm đối ngoại tích cực và chủ động, giữ vững môi trường hòa bình, đa phương hóa, đã khéo léo đưa ra tín hiệu về tính trách nhiệm của Việt Nam trong việc giữ môi trường khu vực hòa bình, ổn định, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nói chung và năm 2020 khi mà Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN và cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngoài ra, các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế được nêu trong văn kiện Đại hội XII:

Một là, phải bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Hai là, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước.

Ba là, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế.

Bốn là, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi.

Nhận thức mới, trách nhiệm mới

Có thể thấy rằng, từ Đại hội XI, lợi ích quốc gia - dân tộc đã chính thức trở thành mục tiêu của chính sách đối ngoại, và tiếp tục xuyên suốt từ Đại hội XII cho đến hiện nay, việc cụ thể hóa và triển khai mục tiêu của công tác đối ngoại cũng đã các ngành các cấp, từ Trung ương cho đến địa phương, cả hệ thống chính trị trên cả nước quyết liệt thực hiện.

Qua các kỳ đại hội và thực tiễn, Đảng ta đã nhận thức rõ hơn mối quan hệ gắn bó giữa nhiệm vụ đối ngoại với mục tiêu đối ngoại. Theo đó, nhiệm vụ đối ngoại là để giúp đạt được các mục tiêu đối ngoại. Tương ứng với mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế là các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, cũng như nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Đặc biệt, yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại đa phương không chỉ phải chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia” nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới, mà còn phải phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Đây chính là sự phát triển, nâng cao và cụ thể hóa nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược bảo vệ và xây dựng Tổ quốc được hình thành trong chiều dài sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Trần Minh Tài
Lượt xem: 19149
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin