image Chuyển đổi IPv6 Thông tin tuyên truyền
Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia tổ chức chương trình làm việc với Sở TT&TT TP.HCM và một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung tại TP. HCM
Thứ 2, Ngày 18/03/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Nhằm tăng cường triển khai IPv6 trong mạng lưới, ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước và trong cung cấp dịch vụ nội dung tại Việt Nam, hướng tới hoàn thành tổng thể mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, từ ngày 14-15/3/2019, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã thực hiện chương trình làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh (Sở TT&TT TP.HCM) và một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung lớn tại TP.HCM.

Thúc đẩy, hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi IPv6 cho hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Chuyển đổi mạng Internet và các hệ thống CNTT sang sử dụng IPv6 là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo phát triển bền vững của mạng Internet trên thế giới và Việt Nam. Tính đến hết năm 2018, tỉ lệ ứng dụng của Việt Nam đạt trên 25,58% với 14 triệu người sử dụng IPv6; xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Malaysia), xếp thứ 6 Châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD) và xếp thứ 13 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6. Các ISP lớn tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom đã triển khai rộng rãi việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp công tác chuyển đổi sử dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ ứng dụng CNTT nhà nước tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tổ chức chương trình làm việc với Sở TT&TT TP.HCM vào ngày 15/3/2019.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC – Phó trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia phát biểu khai mạc

Trong buổi làm việc, VNNIC đã cung cấp thông tin về các quy định pháp lý về yêu cầu chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan Nhà nước, bao gồm việc đảm bảo hỗ trợ tiêu chuẩn IPv6 trong việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới, thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin; kết nối liên mạng LAN/WAN qua IPv6; đảm bảo cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 hỗ trợ IPv6 phù hợp với lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Đồng thời, hướng dẫn, tư vấn Sở TT&TT TP.HCM về giải pháp, cách thức xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sang IPv6 gồm 3 giai đoạn, 10 bước.

Sở TT&TT TP.HCM đánh giá việc ứng dụng triển khai IPv6, quy hoạch và sử dụng hiệu qủa tài nguyên Internet trên mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng và đã giao Công ty công viên phần mềm Quang Trung QTSC nghiên cứu triển khai thử nghiệm cùng VNNIC từ năm 2008. Sau buổi làm việc, Sở đã thống nhất đẩy mạnh công tác chuyển đổi ứng dụng IPv6 và phối hợp với Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia với một số công việc cụ thể:

- Tăng cường truyền thông, đưa thông tin hướng dẫn về chuyển đổi IPv6 thông qua việc xây dựng chuyên mục thông tin về công tác triển khai IPv6 trên cổng thông tin của Sở.

- Triển khai IPv6 cho cổng thông tin điện tử của Sở TT&TT Tp.HCM, hướng tới tham gia chương trình khai trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến của thành phố trên nền tảng IPv6 trong Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019 (06/5/2019) tại Hà Nội;

- Triển khai IPv6 trong hệ thống ứng dụng CNTT của Sở, bao gồm các trung tâm tích hợp dữ liệu, cổng thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, kết nối liên mạng, kết nối Internet, các ứng dụng nội bộ, các dịch vụ thuê ngoài và liên thông văn bản thành phố, quốc gia ...

- Xây dựng đề án triển khai IPv6 giai đoạn 2020–2025 phù hợp với định hướng, chủ trương, nhu cầu phát triển CNTT của UBND TP.HCM và đưa IPv6 vào kế hoạch ứng dụng CNTT của thành phố; đề xuất tham mưu cho UBND cấp tỉnh/ thành phố để xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6 trên địa bàn phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và tuyên truyền triển khai IPv6 trong khối CQNN và doanh nghiệp tại địa phương.

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM chia sẻ về hoạt động mạng, dịch vụ và việc chuyển đổi IPv6 của đơn vị

Ban Công tác làm việc với  Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) và Công ty CP VNG về ứng dụng triển khai IPv6 trong mảng dịch vụ nội dung trực tuyến

Để tăng cường mức độ ứng dụng IPv6 trong cung cấp dịch vụ nội dung tại Việt Nam và tăng cường thúc đẩy sử dụng nội dung trực tuyến trong nước, kết nối IPv6 qua trạm trung chuyển lưu lượng quốc gia VNIX, góp phần đảm bảo chất  lượng, hiệu quả hoạt động Internet, trong hai ngày 14-15/03/2019, Ban Công tác đã làm việc trực tiếp với 02 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trực tuyến lớn tại địa bàn TP. HCM là SCTV và VNG.

Trong chương trình làm việc, cả hai đơn vị SCTV và VNG đều khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi ứng dụng IPv6 trong đảm bảo sự phát triển về dịch vụ cung cấp tới người sử dụng, đặc biệt là khi mức độ cạn kiệt địa chỉ IPv4 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã bước sang giai đoạn mới.  Hiện tại, hạ tầng kết nối của SCTV và VNG đã sẵn sàng với IPv6. Mạng lưới của SCTV đã có lưu lượng IPv6 đạt khoảng 0,39% (theo thống kê từ Trung tâm Thông tin mạng Châu Á – Thái Bình Dương – tháng 2/2019). Cả hai đơn vị đều đặt mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi IPv6, hướng tới việc khai trương dịch vụ IPv6 mảng nội dung số tại Hội thảo ngày IPv6 Việt Nam 2019 (06/5/2019), cũng như phối hợp góp phần phát huy hiệu quả hệ thống Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, xây dựng hạ tầng Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6, bắt kịp với xu thế thế giới.

Trong thời gian tới, Ban Công tác sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi hoạt động tập huấn, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và cơ quan Nhà nước. Các hoạt động dự kiến bao gồm Hội nghị tập huấn về IPv6 tại thành phố Đà Nẵng cho các đơn vị miền Trung, Hội nghị tập huấn về IPv6 tại Hà Nội cho các đơn vị phía Bắc (tháng 4/2019) và Hội thảo ngày IPv6 Việt Nam 2019 tại thành phố Hà Nội (06/5/2019).

 

Nguồn: VNNIC
Lượt xem: 15803
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin