image Tin hoạt động Xuất bản, in và phát hành
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cần nhân rộng mô hình thiết thực như Đường sách TPHCM
Chủ Nhật, Ngày 17/01/2021, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng hiện nay văn hóa đọc chưa như mong muốn, vì vậy cần nhân rộng mô hình thiết thực như Đường sách TPHCM.

Sáng nay (15/1), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đi thăm Đường sách TPHCM (quận 1), hỏi thăm tình hình kinh doanh tại các gian hàng.

Cần nhân rộng mô hình thiết thực như Đường sách TPHCM - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham quan Đường sách TPHCM

Người đứng đầu Đảng bộ TP đánh giá cao mô hình hoạt động, ý nghĩa của đường sách TPHCM góp phần hình thành văn hóa đọc cho người dân. Đây là sáng kiến hay và vượt qua bao nhiêu khó khăn để hình thành và phát triển như ngày hôm nay. Đây là niềm tin để tạo sự lan tỏa văn hóa đọc trong tương lai.

"Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, có chỉ thị, chỉ đạo, quy định, nghị quyết về văn hóa đọc nhưng thực ra giờ chưa đạt như mong muốn vì nhiều lý do. Những việc thiết thực như đường sách chưa có nhiều lắm", ông Nên chia sẻ.

Cần nhân rộng mô hình thiết thực như Đường sách TPHCM - 2

Ông Nguyễn Văn Nên ấn tượng với mô hình Đường sách TP và mong muốn nhân rộng hơn để phát triển văn hóa đọc

Bí thư Thành ủy ấn tượng với một số mô hình, đặc biệt là hoạt động của mô hình xe buýt sách - chuyến xe chở tri thức, khi biết rằng khởi điểm chỉ là kệ sách mà bây giờ đã có đến 10.000 cuốn sách. 

Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu thì làm sao phải có cái gì đặc sắc hơn về văn hóa, không gian văn hóa và đây là Chỉ thị của Tổng Bí thư. 

Theo ông Nên, sách sử có ghi sĩ phu Sài Gòn xưa ham mê đọc sách, có nghĩa việc đọc sách có từ lâu lắm rồi nhưng trải qua khó khăn, chiến tranh, thăng trầm và nhiều lý do nên hôm nay nước ta lại nằm trong nhóm nước ít đọc đầu sách nhất. 

Ông cũng dẫn chứng câu chuyện về văn hóa đọc ở một số nơi trên thế giới và những bạn trẻ tại thành phố tâm huyết với văn hóa đọc. Từ đó, ông đề nghị văn hóa đọc phải được lan tỏa, để làm được điều này cần sự gắn kết từ các cơ quan ban ngành. "Phải có một điểm tựa, sự hỗ trợ, gắn kết, sự chung sức thì chúng ta mới phát triển nhanh được", ông Nên nhắn nhủ.

Nhắc lại mô hình xe buýt sách, Bí thư Nên cho rằng nơi nào có điều kiện thì phát triển mô hình văn hóa đọc: "Bắt đầu từ cái nhỏ, chờ đủ lớn mới làm thì chậm. Có điều kiện chỗ nào thì làm chỗ đó rồi từ từ lan tỏa văn hóa đọc".

Cần nhân rộng mô hình thiết thực như Đường sách TPHCM - 3

Trong 5 năm qua (2016-2021), Đường sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu các đơn vị có gian hàng tại đường sách đạt 181 tỷ đồng

Báo cáo về hoạt động của đường sách, ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM cho biết, trong 5 năm qua (2016-2021), Đường sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu các đơn vị có gian hàng tại đường sách đạt 181 tỷ đồng, với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra. Sang năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động Đường sách giảm, tuy nhiên nay đã có nhiều tín hiệu phục hồi.

Đường sách TPHCM hiện nay mỗi tuần có khoảng 20 sự kiện như ra mắt sách, trưng bày, triển lãm, trao đổi sách quý. Bên cạnh đó, Đường sách cũng có cách làm mới để thu hút người trẻ.

Nhờ các hoạt động phong phú, Đường sách TPHCM không chỉ đơn thuần là nơi bán sách mà đã thật sự là một không gian, điểm đến thú vị của TPHCM, hình thành và lan tỏa thói quen đọc sách. 

Cần nhân rộng mô hình thiết thực như Đường sách TPHCM - 4

Đường sách TPHCM thu hút giới trẻ bằng nhiều hoạt động hấp dẫn, qua đó góp phần phát triển văn hóa đọc

"Như chuyến xe chở tri thức vào tương lai vô cùng ý nghĩa bởi nó góp phần tác động hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Từ đó phát triển văn hóa đọc của người Việt Nam. Việc đọc sách có ý nghĩa vô cùng cần thiết cho sự phát triển của cá nhân và sự phát triển chung của đất nước", Ông Lê Hoàng nói.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt cho biết, Đường sách không chỉ thu hút người dân trong nước mà ngay cả những người nước ngoài, du khách quốc tế cũng rất thích thú. Họ tìm đến đây tham quan khi đến TPHCM và xem đây là điểm nhấn, nét đặc trưng nhất của TPHCM - mô hình ít nơi nào có trên thế giới. Vì vậy, ông gợi ý lãnh đạo TPHCM có thể tận dụng Đường sách là điểm đón tiếp các đoàn khách quốc tế để tăng cường quảng bá, truyền cảm hứng văn hóa đọc.

Quốc Anh

Nguồn: Dân trí (Xem tại đây)
Lượt xem: 9301
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin