image Đô thị thông minh Thông tin tuyên truyền
Vì sao TP.HCM phải xây dựng đô thị thông minh?
Thứ 2, Ngày 27/11/2017, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

TP.HCM là một trong 5 thành phố năng động nhất thế giới, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước, chiếm 9,1% tổng dân số cả nước với khoảng 8,43 triệu người, và đóng góp 28,6% tổng thu ngân sách năm 2016 của quốc gia, xuất khẩu đạt 31,8 tỷ USD, chiếm 18% cả nước.

Với mong muốn phát huy tối đa tiềm năng của TP.HCM, ngày 10/8/2012, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 16-NQ/TW về định hướng phát triển đến năm 2020: “Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.”

Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 cũng xác định mục tiêu “Xây dựng TP.HCM cóchất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; (…) sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á.”

Tuy nhiên, thực tế so sánh hai tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, TP.HCM vẫn đang đứng cuối bảng trong số 12 thành phố trong khu vực, sau Jakarta, Kuala Lumpur, Singapore, Manila,…

Còn trong nước, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của TP.HCM trong vài năm qua đang có dấu hiệu chững lại, tụt hạng dần so với các tỉnh thành khác. Đồng thời đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, nhằm phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Điều này bắt buộc TP.HCM phải ngày càng nâng cao hiệu quả công tác dự báo phát triển và điều hành các mặt hoạt động để ra quyết định một cách chính xác, nhằm đảm bảo cho sự phát triển đúng hướng và việc sử dụng tối ưu các nguồn lực. Để làm được điều này đòi hỏi vai trò không thể thiếu của việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý cũng như dự báo của Thành phố.

Thực tế thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực như xây dựng chính quyền điện tử, giao thông vận tải, an ninh trật tự, y tế, môi trường, giáo dục và đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. 

Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 10 cũng đã nêu rõ nhiệm vụ “Phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội”. 

Ngay trong các giải pháp mà thành phố đã xây dựng để triển khai 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ X cũng đều thể hiện vai trò xuyên suốt của CNTT trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của từng lĩnh vực.

Tuy nhiên, bản chất của việc ứng dụng CNTT này vẫn chưa mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm có thể phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực trong công tác điều hành của chính quyền và phục vụ người dân. Và đặc biệt, chưa đáp ứng được nhu cầu về dự báo phát triển cho thành phố.

Trong bối cảnh đó, việc triển khai xây dựng “đô thị thông minh” được xem như một giải pháp phù hợp nhất, đáp ứng các nhu cầu trên. Và với sự chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, ngày 23/11/2017, UBND TP.HCM đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”

Nguồn: P.TTĐT
Lượt xem: 625
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin