image Báo chí Thông tin tuyên truyền
TP.HCM sẵn sàng phục hồi nhanh nhất hoạt động đời sống kinh tế - xã hội
Trên địa bàn TP.HCM, tại buổi họp giao ban trực tuyến định kỳ của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố diễn ra vào chiều ngày 20/4, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết rằng, từ ngày 3/4 đến 20/4, Thành phố không ghi nhận ca bệnh mới, vẫn duy trì 54 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố (gồm 35 ca nhập cảnh và 19 ca phát hiện từ cộng đồng).
Thứ 3, Ngày 21/04/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Trong đó, đã có 51 ca đã xuất viện, 3 ca đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Cùng tham dự buổi giao ban trực tuyến vào chiều 20/4, tại điểm cầu Thành ủy TP.HCM có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy (chủ trì) và đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Bí thư thường trực Thành ủy. Tại điểm cầu UBND TP.HCM, có sự tham dự của đồng chí Lê Thanh Liêm - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố và đồng chí Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND.TP

Ủy viên Bộ Chính trị -- Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (trái), và Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang tại buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra vào chiều 20/4/2020.

 

Kiểm soát chặt rủi ro bằng bộ tiêu chí cho từng nhóm ngành

Có thể khẳng định rằng, TP.HCM đã tiên phong và ghi nhận thành công bước đầu trong việc triển khai đánh giá các rủi ro về lây nhiễm trong cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp qua các bộ tiêu chí được lập cho từng nhóm ngành, lĩnh vực.

Trước đó, TP.HCM đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp, nhà máy, khu chế xuất, khu công nghệ trên toàn địa bàn, và kiên quyết đề nghị các đơn vị không đạt tiêu chuẩn phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng cho người lao động, gia đình lẫn xã hội.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro cho các trường học để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại từ ngày 3/5 theo dự kiến.

Tương tự các lĩnh vực khác cũng đang được Sở Y tế xúc tiến triển khai và đảm bảo trước thời điểm ngày 30/4 thì các bộ tiêu chí này sẽ được phát hành. Sở Y tế cũng đề xuất Sở Công thương sớm xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính rủi ro tại các chợ, siêu thị để công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Phục hồi hoạt động xã hội nhưng phải tuyệt đối an toàn

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lưu ý việc đẩy mạnh tiến độ xây dựng các bộ tiêu chí trong từng ngành, từng lĩnh vực như trường học an toàn; siêu thị, cửa hàng… nhằm đảm bảo tối đa sự an toàn với dịch Covid-19.

Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND TP.HCM đôn đốc để ban hành bộ tiêu chí trước ngày 30/4. Từ đó, qua tháng 5/2020, TP.HCM sẽ áp dụng rộng rãi các tiêu chí an toàn này để từng trường học, siêu thị, cơ quan, đơn vị tự sắp xếp, thực hiện các quy tắc ứng xử an toàn đó.

“Điều này nhằm đảm bảo TP.HCM cùng cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và khẳng định, việc xây dựng quy trình nếp sống mới ở tất cả các cơ quan, đơn vị nhằm khôi phục nhanh nhất các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, với điều kiện đảm bảo an toàn với dịch.

Liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP.HCM rà soát lại phương thức làm việc tại nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, để từ đó rút kinh nghiệm và bổ sung cách thức để làm việc hiệu quả, đồng thời chuẩn bị phương án tất cả cán bộ, công chức trở lại làm việc đầy đủ và đảm bảo an toàn với dịch.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu UBND 24 quận-huyện cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao phải báo cáo về kết quả thực hiện đánh giá tại các doanh nghiệp và gửi về Sở Y tế. Về việc đảm bảo an toàn với Covid-19 trong giai đoạn tới, đồng chí Lê Thanh Liêm thông tin, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, như: Du lịch, Văn hóa - Thể thao, Công thương, Giao thông - Vận tải, Giáo dục - Đào tạo, Xây dựng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm… xây dựng tiêu chí an toàn trong lĩnh vực phụ trách.

Phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 20/4/2020

 

TP.HCM kiểm soát tốt dịch bệnh

Cũng trong chiều ngày 20/4, báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai từ sau cuộc họp ngày 15/4, đồng chí Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định Thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, và việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chính là yếu tố mang đến thành công trong công tác phòng, chống dịch.

Theo lời Chủ tịch UBND TP.HCM, để đạt được kết quả tốt cho đến thời điểm này là cả một quá trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân Thành phố.

“Thành phố đặt ra nguyên tắc luôn phải cảnh giác cao, không được chủ quan lơ là, kiên định 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ, có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường”, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng cho biết, đã 17 ngày TP.HCM không ghi nhận ca bệnh mới, trong đó các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ vẫn được thực hiện triển khai quyết liệt, và nghiêm túc.

Nhằm bảo vệ những thành quả dày công thực hiện trong suốt thời gian qua, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và kết thúc vào ngày 22/4. TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị mới với tinh thần mọi hoạt động phải có quy định an toàn phòng chống dịch.

Tại buổi  họp này, đại diện TP.HCM cũng kiến nghị Thành phố được giảm từ nhóm nguy cơ cao xuống nhóm nguy cơ, đồng thời cam kết bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các phương án tái khởi động các hoạt động kinh tế thì TP.HCM vẫn tiếp tục tập trung phòng, chống dịch, như: tổ chức lực lượng đội phản ứng nhanh cấp thành phố, 24 đội phản ứng nhanh cấp quận - huyện, 322 đội phản ứng nhanh các xã - phường - thị trấn để kiểm tra việc tuân thủ giãn cách xã hội.

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ bố trí lực lượng chức năng túc trực tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối (từ lúc bắt đầu họp chợ đến khi tan chợ) để kiểm tra việc giãn cách xã hội, xử phạt và từ chối cho vào chợ nếu người dân không mang khẩu trang.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, Thành phố đang nghiên cứu mở dần một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm gắn với bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở hết sức thận trọng, cân nhắc nhiều mặt; thí điểm, đánh giá đa chiều và triển khai từng bước sau đó mới nhân rộng.

Cụ thể, TP.HCM tổ chức thí điểm đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ, có quy mô nhỏ. Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, nhân rộng. Đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ nhưng có quy mô lớn thì tổ chức thí điểm 30 ngày, sau đó tổng kết đánh giá, nhân rộng. Ngoài ra, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, Thành phố sẽ điều chỉnh thời gian thí điểm, nhân rộng và cho phép mở rộng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Phòng Báo chí/ Minh Tài

Nguồn: Phòng Báo chí
Lượt xem: 31947
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin