image Tin hoạt động Công nghệ thông tin
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống - Bài 2: Trí tuệ nhân tạo tại các đô thị lớn
Thứ 5, Ngày 30/05/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Viễn cảnh một đô thị thông minh, nơi công dân của thành phố sống và làm việc với một nền công nghệ thông minh đang diễn ra và ngày càng cụ thể hơn.

Hệ thống phát hiện và ứng phó nhanh với tiếng súng, giúp giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn
được những vụ xả súng ở Seatle, Mỹ

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có mặt rộng khắp trong cuộc sống hiện đại, từ những việc đơn giản như gợi ý kết quả tìm kiếm cho đến hàng loạt chuỗi hành động phức tạp để vận hành một hệ thống máy móc phức tạp hoặc theo dõi, kiểm soát sự thay đổi nhanh chóng của khí hậu khắp nơi trên thế giới… Viễn cảnh một đô thị thông minh, nơi công dân của thành phố sống và làm việc với một nền công nghệ thông minh đang diễn ra và ngày càng cụ thể hơn.

Trung Quốc: Quản lý dân cư bằng “mắt thần”

Ở Thanh Đảo, thành phố du lịch lừng danh của Trung Quốc, một nghi can giết người đang lẩn trốn nhanh chóng bị cảnh sát tóm gọn khi đang mua thức ăn ở một xe đẩy hàng rong. Trong khi đó, một kẻ buôn lậu heroin cố hòa vào đám đông ở ga xe lửa cũng không thể trốn chạy xa hơn nữa khi cảnh sát bất ngờ ập tới và bắt gọn.

Cảnh sát tại Trung Quốc giờ đây không cần phải nhọc công lần mò theo dấu vết của những tên tội phạm nguy hiểm, tất cả những gì họ cần chỉ là quan sát qua hình ảnh camera và huy động lực lượng đến bắt giữ đối tượng tại nơi thích hợp. Với hàng trăm triệu camera hoạt động không ngừng nghỉ và hàng tỷ dòng lệnh được xử lý tự động bởi trí tuệ nhân tạo, hệ thống giám sát công cộng lớn nhất hành tinh đã đi vào hoạt động ở Trung Quốc, cho phép chính quyền theo dõi các khu vực công cộng, giúp xác định được danh tính bất kỳ người nào trong số hơn 1,4 tỷ dân. 

Ngoài việc xác định được danh tính một người qua nét mặt, hệ thống camera giám sát của Trung Quốc còn nhận biết được cử chỉ, hành vi hay thói quen của một người và nhanh chóng truy được người ấy là ai. Tổng số 200 triệu camera ở Trung Quốc hiện đã vượt hơn gấp 4 lần so với Mỹ. Thuật toán trí tuệ nhân tạo nhanh chóng nắm được những nét cơ bản trên khuôn mặt người để xác định được danh tính của người đó. Không những thế, hành động, tư thế, dáng đi, hành vi... của một người cũng được ghi lại để giúp nhận biết danh tính trong trường hợp hình ảnh khuôn mặt bị mờ nhòe. Từ những dữ liệu này, cơ quan cảnh sát sẽ quản lý được cư dân tốt hơn; những hành vi gây rối trật tự hoặc phạm pháp sẽ được theo dõi và đánh giá tự động vào một hệ thống chấm điểm công dân. Người có điểm số cao sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, trong khi người có điểm số thấp sẽ gặp nhiều hạn chế trong cuộc sống. Hệ thống này còn giúp chính quyền quản lý một cách hiệu quả số lượng dân cư khổng lồ của mình, giảm nhẹ áp lực công việc cho cảnh sát và lập lại trật tự cho xã hội. 

Seattle (Mỹ): Chống ngập và trữ nước thông minh

Với vị trí địa lý nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao và nằm gọn trên vùng vành đai lửa, thành phố Seattle, Mỹ năng động luôn phải thấp thỏm lo âu về nguy cơ xảy ra một trận động đất lớn. Nhìn thấy được điều này, chính quyền thành phố đã bắt tay với Đại học Washington để giải quyết những vấn đề nan giải nhất của thành phố và nhằm phát triển theo hướng thông minh hóa đô thị. Thành phố này đã áp dụng AI để phối hợp hài hòa với thiên nhiên, giúp khống chế và giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra. RainWatch, một dự án theo dõi lượng mưa theo thời gian thực, sẽ tự động đưa ra hướng giải quyết thích hợp khi mưa quá lớn và gây ra lụt. Hệ thống cống rãnh của thành phố được đồng bộ hóa với hệ thống theo dõi mưa, giúp nước mưa được điều tiết thích hợp. Khi lượng mưa quá lớn, nước mưa sẽ được chuyển về hệ thống hồ chứa để sử dụng cho những lần khác, hoặc tưới cây ở những nơi công cộng vào mùa khô. RainWatch cũng gửi tín hiệu đến đèn giao thông ở các ngã tư. Khi điều kiện thời tiết thay đổi, đèn báo giao thông sẽ linh động thay đổi thời gian của đèn đỏ/đèn xanh để phương tiện lưu thông dễ dàng hơn, tránh xảy ra cảnh ách tắc giao thông giữa trời mưa lớn.

Trong khi đó, để phòng ngừa các vụ nổ súng tại “xứ sở súng đạn”, một dự án mới được áp dụng tại thành phố này, ShotSpotter là công nghệ giúp cảnh sát phát hiện nhanh nơi tiếng súng phát ra. Đi cùng với dự án này là hơn 800 camera gắn khắp thành phố và các điểm nóng xảy ra nạn đấu súng, cảnh sát ở gần nơi xảy ra ẩu đả sẽ được báo hiệu để nhanh chóng có mặt kịp thời và can thiệp. Để đáp ứng được những công nghệ mới đang phục vụ thành phố, chính quyền Seattle cũng triển khai một cơ sở dữ liệu mới sau khi cơ sở cũ bị đánh sập vào năm 2012. Cơ sở dữ liệu mới này to lớn hơn rất nhiều, có thể tránh được tấn công mạng và chịu được các thảm họa tự nhiên như động đất.

Barcelona: Thành phố sạch nhờ robot

Barcelona - thành phố lớn thứ hai của Tây Ban Nha - đang chuyển mình thành một đô thị thông minh và thu hút sự đầu tư cực kỳ lớn từ những công ty công nghệ. Nơi đây đang áp dụng triệt để internet vạn vật để kết nối công dân của họ với những tiện ích đô thị thông minh. Đèn điện chiếu sáng tự động, chỉ sáng lên khi có người đi qua; các trạm sạc xe điện miễn phí được lắp đặt khắp thành phố; dịch vụ chăm sóc 70.000 người lớn tuổi và người khuyết tật bằng hệ thống máy tự động, chủ động kiểm tra sức khỏe của nhóm người này bằng thiết bị đeo tay và gửi thông báo đến bác sĩ khi tình trạng sức khỏe xấu đi… là những tiện ích AI hiện hữu trong đời sống hàng ngày ở đây.

Hệ thống đèn điện thông minh của Barcelona giúp tiết kiệm lượng điện đến 30%, không chỉ sử dụng loại đèn tiết kiệm điện mà nó còn được trang bị cảm biến nhận biết người đi qua để thắp sáng vào đúng lúc cần thiết. Loại cảm biến này còn xác định được lượng mưa và độ ẩm để kích hoạt hệ thống tưới cây, giúp tránh lãng phí nước. Loạt thùng rác công cộng được đặt khắp nơi là những thùng rác thông minh, tự động gửi tín hiệu đến xe thu gom rác khi thùng đầy. Bằng cách này, thành phố sẽ sạch đẹp vì thùng rác luôn có sẵn để mọi người đặt rác vào, thay vì phải để ra ngoài khi thùng đã đầy rác.

Tất cả các tiện ích của thành phố như bãi đậu xe, vé phương tiện công cộng... đều được tích hợp trong một căn cước công dân điện tử. Chỉ với một chiếc thẻ định danh, người dân có thể sử dụng bất cứ dịch vụ công nào của chính quyền, xa hơn là với các tiện ích từ các công ty tư nhân.

Singapore: Nỗ lực trở thành quốc gia thông minh đầu tiên 

Tận dụng internet băng thông rộng và là một trong những nơi có tốc độ mạng nhanh nhất thế giới, Singapore đang biến mình từ một thành phố thông minh trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Ngoài điều kiện địa lý là một quốc đảo nhỏ, Singapore làm được điều này là bởi sự đồng bộ cao trong hệ thống dịch vụ công. Các dịch vụ công được cung cấp bởi chính quyền đều được truy cập trực tuyến, người dân có thể đặt hẹn ở cơ quan công quyền, khám chữa bệnh ở bệnh viện... qua điện thoại thông minh. Tiến trình xử lý hồ sơ, quá trình chữa bệnh, giờ xe tàu chạy... đều được cập nhật và minh bạch thông tin, giúp người dân tiện theo dõi.

Đến năm 2020, tất cả phương tiện tham gia giao thông ở Singapore đều phải trang bị thiết bị định vị. Bằng cách theo dõi lượng xe chạy trên đường, cơ quan chức năng có thể điều hướng và giảm ách tắc giao thông. Định vị cũng giúp dịch vụ cứu hộ có thể có mặt kịp thời khi xe bị tai nạn, sự cố trên đường. Những trục đường chính ở nơi đây liên tục trở thành nơi thử nghiệm cho những dòng xe tự lái, gồm xe hơi, xe buýt và taxi. Xe tự lái đã có mặt tại thành phố quốc gia này và sẽ chính thức được lưu thông rồi chiếm tỷ lệ lớn trong phương tiện lưu thông vào tương lai gần. Khi mọi phương tiện trên đường đều được vận hành tự động và chính quyền biết được vị trí chính xác của từng chiếc xe, giao thông sẽ được điều tiết một cách tự động và từ đó sẽ không còn tình trạng ùn tắc vào giờ tan tầm nữa. Đó là tầm nhìn của Singapore để chuyển mình thành một đô thị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Nguồn: Theo Sài Gòn Giải Phóng Online
Lượt xem: 68385
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin