image Tin từ các báo Bưu chính viễn thông
Doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng đô thị thông minh
Thứ 4, Ngày 16/05/2018, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
TTO - Chiều 16-5 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ diễn ra tọa đàm 'Giải pháp cho thành phố thông minh'. Buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phối hợp tổ chức. Các chuyên gia nhấn mạnh đô thị thông minh nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Đối với chính quyền, việc phát triển các giải pháp đô thị thông minh sẽ giúp giảm tải thủ tục hành chính công, đảm bảo xây dựng đô thị bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng. Điều này giúp giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động quản lý. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng xây dựng đô thị thông minh.

Ông Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông, cho biết sau khi đề án đô thị thông minh được UBND TP.HCM phê duyệt, ban điều hành đã chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện.  

Đầu năm 2018, ban điều hành đã trình thành phố ban hành 5 kế hoạch. Ngoài kế hoạch tổng thể còn có 4 kế hoạch trụ cột. "Quan điểm thực hiện là phải có thí điểm trong từng lĩnh vực, khu vực. Hiện chúng tôi đã triển khai thí điểm tại Q1, 12 và Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, từng ngành, từng lĩnh vực trình đề án thí điểm của mình và sẽ có sơ kết báo cáo đầy đủ các tiến độ của mình", ông Cường nói.

Ông Huỳnh Quang Liêm - Phó TGĐ Tập đoàn VNPT, cho biết từ những năm 90 đô thị thông minh đã triển khai ở những nước phát triển và thực tế mang lại hiệu quả tốt.

Theo ông Liêm, đô thị thông minh là khái niệm: những người điều hành và người dân, doanh nghiệp muốn thế nào để có cuộc sống tốt nhất, điều hành hiệu quả nhất. Để phục vụ tốt nhất, chính quyền phải có công cụ điều hành hiệu quả nhất, dự báo tốt nhất.

"Đô thị thông minh là khái niệm để đi đến các ứng dụng tốt nhất cho người dân và chính quyền chứ không phải phải có cái này, cái kia. Bản chất của đô thị thông minh là các dữ liệu phải được kết nối và chia sẻ. Công nghệ đã sẵn sàng nhưng khó khăn về luật pháp và các quy định hiện hành.Cần phải có những qui định chia sẻ bắt buộc. Chúng ta mở thông tin nhưng an toàn thông tin là cực kỳ quan trọng", ông Liêm nêu ý kiến.

Ông Liêm đưa ra ví dụ cụ thể về một dịch vụ kết nối và chia sẻ của đô thị thông minh, giúp giảm thủ tục phiền hà cho người dân. 

Giáo dục kết nối với y tế, y tế kết nối tư pháp và công an nên mỗi khi công dân sinh ra, toàn bộ thông tin được chia sẻ với nhau. Khi công dân đi học, giấy khai sinh, bảo hiểm và một số thông tin liên quan sẽ được chuyển từ Sở Tư pháp và Công an sang trường học, người dân không cần phải mang theo các giấy tờ liên quan.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó tổng giám đốc VNPT IT - cho rằng người thụ hưởng cuối cùng là người dân nên độ thị thông minh không chỉ cung cấp cho thành phố mà còn là người dân. 

Ở các nước khác, theo ông Nghĩa, dịch vụ cung cấp cho người dân được đề cao hơn các công cụ quản lý của thành phố, và đó là mục tiêu Việt Nam cần nhắm tới, và cần chuẩn bị cho nhóm những người không rành công nghệ trong đô thị thông minh "chứ không thể bỏ rơi" họ.

"Không phải bắt người dân thông minh theo đô thị thông minh mà các điều kiện của thành phố làm cho người dân thông minh hơn chứ đào tạo cho người dân thông minh hơn rất khó", ông Nghĩa nói thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Quốc Cường cho rằng sứ mệnh của đô thị thông minh là quản trị thông minh để phục vụ người dân chứ không phải để phục vụ công chức. 

Theo ông Cường, người dân là trung tâm của đô thị thông minh, khi quản lý đô thị hiệu quả thì người dân, doanh nghiệp có môi trường sống và làm việc tốt hơn, có nhiều tiện ích thông qua dịch vụ thông minh, tương tác và giám sát chính quyền.

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online tuoitre.vn/doanh-nghiep-vien-thong-tham-gia-xay-dung-do-thi-thong-minh-20180516140548913.htm)

ST
Lượt xem: 15189
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin