
Toàn cảnh Ngày An toàn thông tin 2012 |
Năm nay, “Ngày An toàn Thông tin Việt Nam” có chủ đề “An toàn thông tin số - Nền tảng của nước mạnh về công nghệ thông tin” đề cập đến sự phát triển hạ tầng công nghệ an ninh bảo mật, các giải pháp và ứng dụng mới nhất, các vấn đề thời sự cấp bách nhằm nâng cao nhận thức và cảnh báo về an toàn thông tin (ATTT).
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lê Thái Hỷ phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông TPHCM Lê Thái Hỷ nhấn mạnh sự kiện ATTT sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức về ATTT và là dịp thể hiện sự gắn kết giữa Nhà nước - Xã hội - Doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác ATTT, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bảo mật tiên tiến nhất. Từ đó sẽ có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT nói riêng, nhu cầu kinh tế xã hội nói chung.
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin khu vực phía Nam báo cáo tại hội thảo |
Theo báo cáo, hiện trạng ATTT khu vực phía Nam năm 2011 có nhiều biến cố đáng báo động và diễn biến phức tạp, các vụ tấn công và vi phạm gia tăng mạnh về mặt số lượng, hình thức vi phạm ngày càng đa dạng, tinh vi và có tính tổ chức. Tính đến hết ngày 7/11/2011, www.zoneh-h.org đã thống kê được trên 300 website có đuôi .gov.vn bị tấn công. Đối tượng bị tấn công không chỉ là các trang Web của nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và Blog cá nhân mà còn có cả các trang thông tin điện tử của các tập đoàn, tổng công ty lớn có tiềm năng về tài chính, có dữ liệu quan trọng cần phải bảo mật.
Cũng theo bản báo cáo, theo hãng Synmantec công bố trong tháng 4/2011, Việt Nam xếp thứ 12 về mã độc và thứ 10 về thư rác. Ngoài ra, các chỉ số về mất an ninh khác của Việt Nam đều tăng bậc trong số 86 quốc gia mà hãng này tiến hành khảo sát.
Báo cáo đưa ra nhận định, với xu hướng phát triển công nghệ và tính chất của các vi phạm ATTT trong năm 2011 và thời gian gần đây, việc tấn công ngày càng mang động cơ chính trị và kinh tế rõ rang. Cùng với đó, thiết bị di động, các trang mạng xã hội đang trở thành những môi trường với nhiều nguy cơ mất ATTT.
VNISA đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần thành lập đầu mối thống nhất, dưới dạng một Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính để trợ giúp các cơ quan, doanh nghiệp và công dân trên địa bàn TP và khu vực lân cận; bên cạnh đó cần có cơ chế, chính sách và đầu tư thích đáng nhằm phát triển đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin của TP, khu vực phía Nam có khả năng kết hợp giải quyết sự cố phức tạp về công nghệ có ảnh hưởng lớn về tài chính, an ninh xã hội; và cuối cùng là chính sách khuyến kích nghiên cứu, phát triển các sản phẩm an ninh thông tin nội địa; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTT.
Riêng đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của ATTT và có kế hoạch tổng thể về ATTT, xây dựng bộ máy quản lý, gắn trách nhiệm rõ ràng cho các cán bộ chuyên trách đồng thời, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống nhằm ứng phó kịp thời với sự thay đổi và tiến bộ công nghệ.
Minh Dung