image Tin hoạt động Bưu chính viễn thông
Chính quyền trực tuyến
Thứ 3, Ngày 20/03/2018, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng hoàn chỉnh, vận hành hệ thống tổng đài trực tuyến 1022 với nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về sự cố hạ tầng đô thị, giao thông công cộng...
Đồ họa: Hồng Sơn

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hệ thống tổng đài trực tuyến 1022 (gọi tắt là hệ thống) mỗi ngày tiếp nhận hàng chục phản ánh của người dân về sự cố đèn đường, mất cắp thiết bị viễn thông, bể đường ống nước, đường sụt lún… Những phản ánh này được tổng đài viên tiếp chuyển ngay đến các quận, huyện, đơn vị chức năng xử lý. Điển hình, ngày 10.3, ông Bột (số điện thoại 0908369…) phản ánh tới tổng đài khu vực lô C, chung cư 1 ha, P.An Phú (Q.2) đèn đường hư kéo dài nhưng không thấy đơn vị chức năng khắc phục. Hai ngày sau, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 phản hồi đã cho nhân viên kiểm tra và khắc phục xong. Tương tự, lúc 8 giờ 40 ngày 6.3, anh An thông qua số điện thoại 0985652… phản ánh tại địa chỉ 45/8 QL1A, P.Tân Hưng Thuận (Q.12), có tình trạng đường mới xây cao hơn đường cũ, tạo thành “bẫy” tai nạn người đi đường. Lập tức, tổng đài viên cập nhật và “bắn” thông tin này đến Khu quản lý giao thông đô thị số 3 thông qua phần mềm cài đặt sẵn trên màn hình máy tính. Đến 8 giờ 30 ngày 7.3, đơn vị này cập nhật kết quả “đã xử lý” lên hệ thống để người dân giám sát.

Một trường hợp khác, vào 10 giờ 15 ngày 5.3, bà Ngọc Trâm thông qua số điện thoại 01222949… phản ánh tại địa chỉ 2-55 tổ 3, KP.1, P.Thạnh Lộc (Q.12) xe tải cán bể đồng hồ nước khiến người dân suốt hơn 10 ngày không có nước sử dụng. Bà Trâm cho biết đã gọi điện 6 lần lên Công ty cấp nước Trung An nhưng chỉ được “hứa” đợi 10 - 15 ngày sẽ giải quyết, buộc bà phản ánh lên hệ thống. 13 giờ 56 cùng ngày, Công ty cấp nước Trung An thông báo đã xử lý xong.

PV đã liên lạc những người dân từng phản ánh sự cố thì đều được xác nhận đơn vị chức năng đã khắc phục đúng như báo cáo.

Phản ánh… đa phương tiện

 
 
Chính quyền trực tuyến - ảnh 1

"Vấn đề mấu chốt lâu nay vẫn là trách nhiệm thực thi công vụ. Trước đây không có thông tin rõ ràng để làm cơ sở giám sát, thì đơn vị có liên quan thường hay chối. Bây giờ có hệ thống ghi nhận, thống kê, nếu như không rốt ráo giải quyết khi dân phản ánh thì người đứng đầu đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND TP, bị chế tài theo quy định"

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

 
 

 

 

Ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính viễn thông Sở TT-TT TP.HCM, cho biết đây là hệ thống trực tuyến vừa được Sở nâng cấp mở rộng để tiếp nhận tất cả thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP. Trong hệ thống này, có 84 đơn vị gồm sở ngành, UBND 24 quận, huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng tham gia giải quyết các sự cố người dân phản ánh. Bước tiếp theo là UBND 24 quận, huyện có thể mở rộng hệ thống tổng đài trực tuyến 1022 kết nối đến UBND 322 xã, phường, thị trấn trực thuộc. Việc mở rộng hệ thống dễ dàng vì chỉ cần có máy tính kết nối mạng để cài đặt phần mềm.

Theo ông Dương, sau khi nâng cấp, hệ thống có thể tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh so với việc chỉ có thể gọi điện đến số 1022 như trước đây: nhắn tin SMS, báo thông tin sự cố qua email, qua cổng tiếp nhận www.1022.tphcm.gov.vn, qua ứng dụng mobile tích hợp tính năng chụp hình, tự động xác định vị trí sự cố dựa trên định vị của thiết bị sử dụng; nâng cao tính tương tác cao giữa người dân và hệ thống, giữa đơn vị tiếp nhận thông tin với 84 đơn vị thuộc hệ thống trực tiếp giải quyết xử lý các sự cố. Đặc biệt, các nâng cấp mới cho phép người dân có thể theo dõi được quá trình xử lý; nhận được thông báo tiếp nhận cũng như kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố; đối chiếu thực tế xử lý và tiếp tục phản ánh lại hệ thống trong trường hợp thực tế sự cố chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chất lượng.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT, đánh giá hệ thống sau nâng cấp vận hành ổn định, mang lại hiệu quả cao trong xử lý sự cố hạ tầng đô thị. “Cái hay là người dân có thể sử dụng nhiều thiết bị, công cụ, công nghệ để chuyển tải thông tin phản ánh, chứ không chỉ những người sử dụng smartphone mới phản ánh được. Một cụ già đi trên đường, dù chỉ sử dụng điện thoại bình thường cũng có thể nhắn tin, gọi điện đến tổng đài 1022 để phản ánh khi phát hiện có sự cố giao thông hoặc tình huống an ninh trật tự bất ngờ xảy ra. Hệ thống sẽ phân loại và tự động chuyển đến các đơn vị có liên quan xử lý theo quy trình”, ông Cường nói và cho biết ngoài các tiện ích đã tích hợp, nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống trực tuyến 1022 sẽ tiếp tục được sử dụng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân đến đường dây nóng của Thành ủy TP.HCM (0888.247.247) và Trung tâm hỏi đáp dịch vụ công TP.HCM. “TP sẽ tiếp tục nâng cấp thành tổng đài trực tuyến về dịch vụ công của chính quyền, biến tổng đài 1022 thành đầu số duy nhất để người dân dễ dàng sử dụng, bao phủ mọi phản ánh về đời sống, xã hội mà cần đến sự can thiệp của chính quyền, cơ quan chức năng; đồng thời tính toán tạo kênh tiếp nhận qua mạng xã hội, kết nối với mạng lưới camera mà TP đã và sẽ lắp đặt trên đường phố để xử lý chính xác, hiệu quả nhất các sự cố người dân phản ánh”, ông Cường cho biết.

Giám sát chặt, xử lý nghiêm vi phạm

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu của TP là huy động sự hỗ trợ, cộng tác, giám sát minh bạch của 13 triệu dân trên địa bàn về quản lý hạ tầng đô thị, hoạt động công vụ của cán bộ, công chức. “Chính quyền có đội ngũ tuần tra, xử lý sự cố nhưng có lúc có nơi không được kịp thời, chưa bao quát hết. Qua tổng đài này, chính quyền muốn cung cấp công cụ tiện ích để người dân dễ dàng phản ánh; đồng thời phân định rạch ròi trách nhiệm, xử lý rốt ráo, kịp thời sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn đô thị, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân”, ông Tuyến chia sẻ.

Ông Tuyến khẳng định quy chế vận hành tổng đài gắn liền với siết chặt kỷ cương công vụ, bắt buộc các đơn vị phải báo cáo khi đã xử lý xong phản ánh của người dân. Hệ thống sẽ cập nhật, hằng tháng nhắc nhở những đơn vị đã tiếp nhận phản ánh mà không xử lý theo đúng yêu cầu. “Vấn đề mấu chốt lâu nay vẫn là trách nhiệm thực thi công vụ. Trước đây không có thông tin rõ ràng để làm cơ sở giám sát, thì đơn vị có liên quan thường hay chối. Bây giờ có hệ thống ghi nhận, thống kê, nếu như không rốt ráo giải quyết khi dân phản ánh thì người đứng đầu đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND TP, bị chế tài theo quy định. Mới đây, TP đã yêu cầu xem xét áp dụng hình thức hạ thi đua hoặc có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với các tập thể, cá nhân trực thuộc các sở ngành, quận, huyện đã để xảy ra tình trạng hồ sơ hành chính trễ hẹn mà người dân phản ánh; đồng thời sẽ giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm vi phạm nếu tái diễn trong thời gian tới”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Yêu cầu kỷ luật nghiêm tập thể, cá nhân “ngâm” hồ sơ hành chính

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND Q.2 trực tiếp chỉ đạo và xem xét áp dụng hình thức hạ thi đua hoặc có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với các tập thể, cá nhân trực thuộc đã để xảy ra tình trạng hồ sơ hành chính trễ hẹn. Theo đánh giá của UBND TP, kết quả xử lý kiểm điểm của UBND Q.2 đối với các tập thể, cá nhân trực thuộc là chưa nghiêm túc, chưa phù hợp và tương xứng với những thiếu sót đã xảy ra.

UBND TP cũng yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TP về việc yêu cầu giải trình và kiểm điểm các cá nhân, tập thể vì để hồ sơ trễ hẹn kéo dài tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q.2, Q.6, Q.7, Q.Tân Phú. Trước đó, đoàn kiểm tra thực hiện công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của UBND TP.HCM phát hiện hàng loạt hồ sơ nhà đất bị “ngâm”, có hồ sơ bị “ngâm” đến 7 tháng tại các đơn vị trên. Riêng một số sở ngành, quận, huyện, trong đó có UBND Q.2, UBND Q.Tân Phú... cũng có hồ sơ trễ hẹn từ 1 - 6 tháng.

 

Tác giả: Đình Phú

Nguồn: Báo Thanh niên
Lượt xem: 64799
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin