image Tin hoạt động Bưu chính viễn thông
Ráo riết hình thành Trung tâm điều hành đô thị thông minh
Thứ 3, Ngày 07/05/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) là một trong 4 trụ cột của thành phố thông minh mà TPHCM đang định hướng xây dựng, phát triển. Theo mô hình chức năng, trung tâm gồm 2 khối chính: Khối thứ nhất gồm tiếp nhận, điều phối và giám sát xử lý hình ảnh; khối thứ 2 là Trung tâm thông tin điều hành nhằm tổng hợp báo cáo phục vụ điều hành.

Khối 1 đã sẵn sàng 

Ở khối thứ nhất hiện đã có Hệ thống 1022, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp, Trung tâm quản lý truyền thông. Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) TPHCM, trong khối này, trên cơ sở hệ thống tổng đài 113-114-115 hiện hữu và định hướng nâng cấp, xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp hợp nhất (ERC), kết hợp với việc tích hợp hệ thống camera quan sát trên địa bàn thành phố, Trung tâm ERC là một bộ phận cấu thành quan trọng của Trung tâm IOC. 

Trung tâm IOC có thể giám sát, theo dõi quá trình tiếp nhận, điều phối và xử lý các thông tin khẩn cấp của Trung tâm ERC, đồng thời, thông qua hệ thống camera quan sát, các chỉ số được cung cấp từ những hệ thống cảm biến hiện trường, dữ liệu được cung cấp từ các trung tâm điều hành chuyên ngành, IOC có thể hỗ trợ ERC trong quá trình xử lý các sự cố, các tình huống khẩn cấp. Mặt khác, tất cả thông tin về tổng hợp, báo cáo, số lượng vụ việc khẩn cấp phát sinh đều có thể được giám sát một cách tự động tại IOC. 

“Bên cạnh các lĩnh vực về hạ tầng kỹ thuật đô thị, bộ phận 1022 của IOC sẽ tiếp nhận và xử lý thêm các yêu cầu hỏi đáp của người dân về dịch vụ hành chính công, tiếp nhận thông tin ùn tắc giao thông, vi phạm các quy định về môi trường, trật tự đô thị, phản ánh của người dân đối với giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức, các giải pháp hiến kế của cộng đồng cho lãnh đạo thành phố… Tất cả các thông tin sau khi tiếp nhận, phân loại sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng của thành phố để xử lý theo quy chế phối hợp đã được quy định. Bộ phận tiếp nhận thông tin 1022 được hỗ trợ bằng hệ thống quản lý hình ảnh camera quan sát tập trung của thành phố”, ông Cường cho biết thêm.

Tại IOC, bộ phận truyền thông chịu trách nhiệm kết nối, quảng bá, công bố các thông tin, dữ liệu về các hoạt động của thành phố trên nhiều phương tiện (nền tảng dữ liệu mở, báo chí, truyền hình, phát thanh…). Song song đó là hoạt động tương tác với công chúng, bao gồm cả việc theo dõi và thu thập thông tin trên internet (ý kiến người dân, doanh nghiệp trên mạng xã hội) đối với các ý kiến liên quan đến các chủ đề, nội dung theo yêu cầu, có ảnh hưởng xã hội trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, để kịp thời chủ động cảnh báo, báo cáo lãnh đạo thành phố.

“Đến nay, việc xây dựng, kết nối trong khối này căn bản đã có thể vận hành. Riêng Trung tâm quản lý truyền thông chưa kết nối được vì do đơn vị khác quản lý, nhưng việc kết nối này thì trước sau gì cũng diễn ra theo kế hoạch”, ông Cường cho biết. 

Khối 2 chạy đua với thời gian

Khối thứ 2 là Trung tâm thông tin điều hành, gồm các thông tin báo cáo về kinh tế, an ninh trật tự, giao thông, y tế, chống ngập, môi trường, giáo dục và dịch vụ hành chính công. Theo mô hình, tại “khối” này, các thông tin hoạt động quan trọng của các lĩnh vực chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị, kinh tế - tài chính… đều được giám sát liên tục qua các chỉ số điều hành, đánh giá. Giám sát đi kèm với chức năng tổng hợp, báo cáo cho lãnh đạo thành phố. Theo đại diện Sở TT-TT, trung tâm có chức năng báo cáo phục vụ cho việc mô tả tình hình chung ở các mặt hoạt động, tình hình vận hành đô thị theo các lĩnh vực trọng yếu và cho phép đánh giá sâu (insight) đến từng chỉ tiêu hoạt động của các cơ quan. Trung tâm còn giúp phân tích, dự báo, cảnh báo liên ngành với các nguồn số liệu đã thu thập được. 

Ở khối thứ 2 này, hệ thống căn bản là “đóng”, có nghĩa là thông tin báo cáo về kinh tế, an ninh trật tự, giao thông, y tế, chống ngập, môi trường, giáo dục và  dịch vụ hành chính công của các đơn vị liên quan được kết nối sẽ hiển thị ở trung tâm, được cảnh báo hay xử lý khi có vấn đề đặt ra. Đến nay, Trung tâm điều hành đã kết nối với thông tin báo cáo của lĩnh vực giao thông, môi trường và dịch vụ hành chính công; còn lại thông tin về kinh tế, an ninh trật tự, y tế và giáo dục chưa kết nối. 

Đáng chú ý, khi Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2025 được công bố, một trong những mục tiêu đề ra là phải ngày càng nâng cao hiệu quả công tác dự báo phát triển và điều hành các mặt hoạt động để ra quyết định một cách chính xác, nhằm đảm bảo cho sự phát triển đúng hướng và sử dụng tối ưu các nguồn lực. Để làm được điều này, thành phố cần phải thu thập và phân tích một khối lượng dữ liệu khổng lồ về môi trường và đối tượng tác động của các quyết định - dữ liệu không chỉ theo chiều rộng (đa lĩnh vực) mà còn cả chiều sâu (theo thời gian), thì “khối” này đóng vai trò hết sức quan trọng để đưa ra những cảnh báo và nhận định.

“Thời hạn vận hành tổng thể Trung tâm điều hành đô thị thông minh là cuối tháng 4, thời gian rất ngắn nên chúng tôi đang ráo riết xây dựng những hạng mục còn lại và cả phương án kết nối hệ thống chung theo yêu cầu UBND TPHCM mới đề ra, chúng tôi đang chạy đua với thời gian”, ông Lê Quốc Cường  nói.

Đề xuất tài trợ thử nghiệm Trung tâm điều hành đô thị thông minh

Sở TT-TT TPHCM cho biết, đơn vị này vừa nhận được đề nghị của một doanh nghiệp cam kết tài trợ toàn bộ kinh phí thuê trang thiết bị, phần mềm ứng dụng cần thiết để lập thử nghiệm Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TPHCM trong 12 tháng. Đơn vị đề xuất sẽ tập hợp và tích hợp một phần các camera hiện nay của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và một số quận, huyện; hiển thị thông tin trên bản đồ số. Đồng thời bổ sung một số tính năng phân tích hình ảnh nâng cao (như nhận diện khuôn mặt, phân tích hành vi, đếm lưu lượng giao thông…) cho hệ thống camera giám sát; tích hợp các hệ thống điều hành hiện có của thành phố về sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ hành chính công; xây dựng ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động thông minh, hiển thị và cung cấp thông tin trực quan cho lãnh đạo khi cần thiết.

Theo Sở TT-TT, đề xuất của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của thành phố; đồng thời không sử dụng ngân sách nên đề nghị UBND TPHCM có ý kiến chỉ đạo.

 

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online
Lượt xem: 73076
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin