image Tin hoạt động Bưu chính viễn thông
Cảnh báo các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông
Thứ 3, Ngày 09/01/2018, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Cảnh báo các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông

 Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng dịch vụ viễn thông để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Với mục tiêu nâng cao tinh thần cảnh giác trước các đối tượng này, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp và làm rõ một số cách thức mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng để nhân dân Thành phố cảnh giác: 

1. Một là, hình thức tin nhắn giả mạo ngân hàng hoặc có thông tin liên quan đến giao dịch tiền mặt của ngân hàng, được gửi dưới dạng SMS hoặc thông qua các ứng dụng nhắn tin OTT (như Zalo, Facebook Messenger, Viber, …), lừa người dùng truy cập vào các đường link giả mạo để cung cấp số tài khoản, mật mã tài khoản và mã OTP.

Về việc này, các ngân hàng đã có cảnh báo cho khách hàng thông qua các phương tiện truyền thông về tình trạng tin nhắn giả mạo ngân hàng hoặc liên quan đến giao dịch tài chính. Đồng thời, các ngân hàng cũng tiến hành điều chỉnh quy trình để nâng cao tính bảo mật cho khách hàng. Hiện nay, một số ngân hàng đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp viễn thông di động để kịp thời ngăn chặn tình trạng lừa đảo nêu trên bằng các biện pháp kỹ thuật.

Khi nhận được các tin nhắn dạng này, người dân cần đọc kỹ nội dung, liên hệ ngay với ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để xác minh thông tin. Người dân có thể tra cứu thông tin liên hệ chính thức của ngân hàng trên website, mặt sau thẻ ATM, hoặc bảng sao kê giao dịch; KHÔNG liên hệ với thông tin được cung cấp trong tin nhắn lừa đảo. Ngoài ra, hiện nay tất cả các trang thông tin điện tử, website, hoặc trang truy nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, giao dịch trực tuyến đa số đều dưới dạng giao thức bảo mật https (Hypertext Transfer Protocol Secure). Người dân có thể nhận diện các trang website hỗ trợ giao thức này thông qua các dấu hiệu như trong hình.

2. Hai là, các đối tượng tội phạm gọi tới số điện thoại cố định, hoặc di động của người dân, sử dụng các câu thoại được ghi âm sẵn, thông báo người dân đang nợ cước với số tiền lớn (tập trung ở dịch vụ điện thoại cố định), hoặc số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người dân được sử dụng mở tài khoản thẻ tín dụng để lừa đảo/nợ số tiền lớn, hoặc người dân được chọn lựa trúng thưởng của một nhãn hàng nào đó; đồng thời, yêu cầu người dân liên hệ với 01 số điện thoại để xác minh thông tin, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, từ đó đánh cắp thông tin của người dùng mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, quy định pháp luật không cấm các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ viễn thông để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ nếu sản phẩm dịch vụ đó không thuộc những ngành nghề bị cấm. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp viễn thông đã cho ra đời dịch vụ “Tổng đài di động” vừa tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí nên rất được các khách hàng doanh nghiệp ưu chuộng. Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng Internet và công nghệ, các đối tượng tội phạm thường sử dụng hình thức VOIP (Voice over IP) để thực hiện các hành vi lừa đảo của mình.

Do đó, để phòng ngừa các trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đã nêu trên, người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi có nội dung tương tự như trên, bình tĩnh và không làm theo yêu cầu của các đối tượng. Đồng thời, người dân cần liên hệ ngay với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TPHCM để trình báo vụ việc, cũng như các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng để xác minh thông tin chính thức.

Tháng 12/2017, Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá thành công đường dây tội phạm sử dụng mạng viễn thông để giả danh nhân viên VNPT thông báo khách hàng nợ cước, mạo danh công an đe dọa chủ tài khoản có liên quan đến các đường dây rửa tiền, mua bán ma túy, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản và tiến hành lừa đảo.

3. Ba là, thông tin về việc khi nghe các cuộc gọi từ các số điện thoại có đầu số quốc tế bị mất tiền trong tài khoản. Khoảng cuối tháng 10/2017, trên mạng xã hội Facebook và Zalo, có tồn tại thông tin được nhiều người sử dụng mạng chia sẻ, lan truyền về việc nhận và nghe cuộc gọi có mã +375 (Belarus), +371 (Latvia), +381 (Serbia), … sẽ bị sao chép danh bạ, thông tin ngân hàng được lưu trữ trong điện thoại, hoặc bị truy cập vào thẻ SIM để thực hiện hành vi khủng bố. Ngoài ra, các đối tượng tội phạm thường lừa đảo người sử dụng mạng viễn thông bằng việc gọi nhá máy vào buổi sáng sớm, hoặc giữa khuya bằng các số điện thoại có đầu số quốc tế.

Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông di động (như Viettel, Vinaphone và Mobifone) đều cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho phép người gọi yêu cầu người nghe trả tiền cho cuộc gọi thoại bất kỳ. Tuy nhiên, để sử dụng dịch vụ này, giữa người gọi và người nghe phải có sự đồng thuận thông qua các thao tác soạn tin nhắn theo cú pháp gửi tổng đài đăng ký sử dụng dịch vụ. Nếu người gọi đăng ký dịch vụ mà người nghe không đồng ý tiếp nhận thì dịch vụ sẽ không được kích hoạt.

Đối với thông tin nghe các cuộc gọi từ nước ngoài bị mất tiền, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã có thông tin phản hồi trên các cơ quan báo đài về việc này, và khẳng định việc nghe điện thoại từ các đầu số quốc tế không gây phát sinh chi phí cho người sử dụng dịch vụ viễn thông; trừ trường hợp người sử dụng thấy cuộc gọi nhỡ và gọi lại cho các số điện thoại quốc tế. Khi đó, thuê bao sẽ bị tính cước đối với cuộc gọi quốc tế với mức cước phí rất cao, đặc biệt là cuộc gọi đến các quốc gia thuộc Châu Phi hoặc Châu Đại Dương.

Đối với thông tin về việc nghe điện thoại bị sao chép dữ liệu như danh bạ, thông tin tài khoản ngân hàng, … việc xâm phạm, đánh cắp dữ liệu được lưu trữ trên SIM hoặc bộ nhớ máy điện thoại của người dùng thông qua các cuộc gọi thoại trên nền tảng mạng viễn thông truyền thống là không có khả năng xảy ra về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu các cuộc gọi được thực hiện thông qua các ứng dụng, phần mềm OTT trên nền tảng Internet như Zalo, Viber, …, tội phạm có thể xâm nhập vào thiết bị bằng việc gửi kèm một đường dẫn, hình ảnh hoặc tệp đính kèm mà trong đó có cài mã độc. Chỉ cần người dùng ứng dụng bấm nghe, truy cập vào đường link hoặc mở file đính kèm, mã độc hoặc phần mềm nguy hại sẽ tự động được cài đặt vào máy và thực hiện việc sao chép dữ liệu./.

 

Hà Trang
Lượt xem: 225314
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin