image Tin hoạt động Báo chí
CHỦ QUYỀN HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM TRONG THƯ TỊCH TRIỀU NGUYỄN
Thứ 2, Ngày 17/02/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Thời phong kiến Nguyễn, đặc biệt ở các triều vua Gia Long, Minh Mạng và Thuận Trị, hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền không chỉ được thực hiện trên đất liền mà còn trên các vùng biển, hải đảo trên biển Đông, nhất là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Triều Nguyễn được đánh giá là có quan điểm hết sức chú trọng về biên ải – lãnh thổ trên đất liền lẫn biển đảo, tập trung xây dựng quy củ quân đội, riêng thủy binh được lập thành bộ riêng với trang bị khá hiện đại so với thời bấy giờ.

Cụ thể, có rất nhiều tài liệu chính sử, nhiều sách ghi chép của các học giả nổi tiếng đương thời minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu này cho thấy hoạt động thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã phát triển với trình độ cao hơn so với các triều đại trước đó, mọi chi tiết đều được minh định, lưu trữ bằng những văn bản, mộc bản, châu bản chính thức của Nhà nước trong văn khố quốc gia.

Giá trị lịch sử và pháp lý

Đơn cử, quyển số 5 của bộ Dư địa chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821) có nhắc đến phủ Tư Nghĩa mà phần lớn nội dung nói về Hoàng Sa, điều này đã đanh thép chứng tỏ Hoàng Sa là một bộ phận quan yếu đối với phủ Tư Nghĩa ở giai đoạn đó. Ngoài ra, trong bộ Hoàng Việt địa dư chí được Quốc sử quán khắc in vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833) cũng thể hiện một số nội dung với nhiều điểm giống Dư địa chí, có đoạn nói về hoạt động của đội Hoàng Sa.

Ngoài ra, còn có Đại Nam thực lục tiền biên là loại tài liệu chính thức đầu tiên viết về Hoàng Sa trong thời kỳ Chúa Nguyễn mà triều đình nhà Nguyễn cho chép lại. Tài liệu này chép rằng, ngoài biển Quảng Ngãi có một loại hình quần đảo tục gọi là bãi Hoàng Sa có hơn 130 cồn cát không biết dài tới mấy ngàn dặm. Tài liệu xác định danh xưng “Vạn Lý Hoàng Sa Châu”, các sản vật, việc lập đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa để kiểm soát các đảo phía nam, tức vùng Côn Đảo, Trường Sa ngày nay.

Đại Nam thực lục chính biên (Quốc sử quán khắc in năm 1848) có 11 đoạn trong nhiều quyển chép về Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều nội dung mới, phong phú, rất cụ thể về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Quyển 50 có nhắc đến sự việc vào tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình. Được biết, Phạm Quang Ảnh là người xã An Vĩnh, Cù lao Ré (nay thuộc thôn Đông, xã Lý Vĩnh, đảo Lý Sơn).

Hay quyển 52 chép lại sự việc vua Gia Long vào năm Bính Tý (1816) tiếp tục sai thủy quân và đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình. Như vậy, theo chính sử, trong 2 năm liên tiếp thì vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn (Gia Long) đã ít nhất hai lần sai người ra Hoàng Sa thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.

1816 cũng là năm vua Gia Long sai ra người ra cắm cờ trên đảo Hoàng Sa. Có thể thấy rằng, bên cạnh việc đo vẽ bản đồ, nhà Nguyễn cũng đã nhiều lần khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa bằng việc cho cắm cờ, cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo này. Nhận định về sự việc này, ngay chính những người Pháp cộng tác với vua Gia Long như Đức Giám mục Taberd cũng đã viết rất rõ rằng “Vào năm 1816 Ngài (Gia Long) đã long trọng treo tại đó (Hoàng Sa) lá cờ của xứ Đàng Trong”. Hành động này là dấu mốc quan trọng trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa nên nhiều người phương Tây chứng kiến đều khẳng định vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền của mình trên quần đảo này trong sách của họ.

Quyển 104 cho thấy lần đầu tiên trong chính sử của triều đình Việt Nam ghi rõ lời của một hoàng đế Việt Nam (vua Minh Mạng) đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa nằm trong vùng biển Việt Nam và sai người dựng miếu, lập bia, trồng cây để ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, tàu thuyền dễ nhận ra tránh mắc cạn.

Quyển 122 chép rằng, năm 1834, vua Minh Mạng sai đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo và duy trì thường xuyên. Những người không hoàn thành nhiệm vụ bị xử phạt nghiêm khắc.

Tháng giêng năm 1836, các quan ở bộ Công dâng sớ tâu nội dung “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu, trước kia đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, triều đình nên phái người đi dò xét để thuộc đường biển”.

Chấp thuận ý kiến của các đại thần, vua còn căn dặn phải “ghi nói minh bạch trong họa đồ để về trình lên". 

Ngoài hoạt động bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên biển, vua Minh Mạng còn lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ các tàu thuyền không cứ của nước ngoài gặp nạn trên vùng biển nước ta. Năm Bính Thân (1836), thủy quân đã cứu giúp thuyền buôn của nước Anh gặp bão tại Hoàng Sa, cứu hơn 90 người đưa vào bờ biển Bình Định cấp lương thực, nước uống, thuốc men (nội dung này sau đó cũng được ghi lại trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí ấn hành năm Duy Tân thứ 3 - 1910.

Quyển này còn chép: “Vua đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi đem theo 10 cái bài gỗ dựng bàn dấu mốc, chủ quyền”, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, mặt khắc những chữ: “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, thủy quân chinh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa đường độ chí thủ lưu chí đẳng tự” (Năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17, cai đội thủy quân Phạm Hữu Nhật phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu). Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của 6 bộ được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến 1851 cũng có chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực.

Đại Nam thực lục chính biên cũng chép rằng trên các cột mốc chủ quyền do các đội viễn thám triều Nguyễn đều được quy định phải khắc rõ niên hiệu, năm, chức vụ, họ tên viên chỉ huy thủy quân, được phụng mệnh ra Hoàng Sa và lưu dấu để ghi nhớ. 

Tiếp đến, không thể không nhắc đến bộ sách Đại Nam nhất thống chí ấn hành năm Duy Tân thứ 3 (1910) khi có đoạn chép đoạn rằng: hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục khẳng định hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, đồng thời nội dung cho biết thêm chi tiết về hành động thực thi chủ quyền của Việt Nam thời vua Minh Mạng như sai binh lính xây chùa, dựng bia...

Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông có đoạn tả sơ lược về Hoàng Sa, có miếu cổ lợp ngói, bảng khắc mấy chữ “Vạn Lý Ba Bình”, binh lính thường đem những hạt quả phương Nam mà vãi để mọc cây làm dấu. Trong Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn đời vua Minh Mạng có chép về chuyện xây chùa, xây miếu, dựng bia, cắm mốc gỗ, vẽ bản đồ... ở Hoàng Sa như các sách nói trên.

Kho châu bản – mộc bản quý giá

Có thể khẳng định rằng, các châu bản – mộc bản của triều Nguyễn là nguồn tài liệu khác có giá trị cao để khẳng định quá trình Nhà nước phong kiến Việt Nam thời Nguyễn có nhiều hành động thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Các Châu bản triều Nguyễn hồi tháng 5/2014 cũng đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Châu bản triều Nguyễn ghi chép cụ thể, rõ ràng các chỉ dụ của nhà vua về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của quan lại địa phương về việc thuyền buôn nước ngoài mắc cạn ở Hoàng Sa; các bản tấu của Bộ Công về những công việc mà các đoàn công vụ ra Hoàng Sa đã làm hoặc chưa làm xong... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng Sa trở về báo cáo đã lên được 25 đảo, còn một số đảo hơi xa gặp gió bão lớn chưa lên được... Ngoài ra cũng còn rất nhiều tài liệu khác là các trước tác, ghi chép của các học giả, quan lại đương thời có liên quan tới việc thực thi chủ quyền của Nhà nước phong kiến Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như bài Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức.

Theo tài liệu này, ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã thuê các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông để khảo sát, đo đạc vẽ bản đồ. Điều này cũng góp phần lý giải bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam thời nhà Nguyễn tuy vẫn giữ cách vẽ truyền thống nhưng cũng đã bắt đầu cập nhật thông tin mới và độ chính xác cao như bản đồ hàng hải của các nước phương Tây bấy giờ vốn cũng khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ngày nay hay triều đại phong kiến nhà Nguyễn ở thời điểm đó.

Được biết, Cục Lưu trữ quốc gia và ngành văn hóa, lịch sử Việt Nam vẫn còn lưu giữ được rất nhiều Châu bản thời Nguyễn có nội dung liên quan việc thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong đó, riêng đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, chúng ta vẫn còn giữ lại được ít nhất 11 Châu bản liên quan đến việc xác lập chủ quyền của nước ta ở Trường Sa, Hoàng Sa.

Và trong hơn 700 Châu bản được lưu giữ, khoảng 19 tờ Châu bản thể hiện rất cụ thể việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung các tờ châu bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn trên hai quần đảo này. Đáng chú ý hơn nữa, trong 19 Châu bản về Hoàng Sa, Trường Sa, có 14 văn bản đề có bút phê của các vua triều Nguyễn về việc nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò hoặc phê chuẩn thưởng/phạt trong việc bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa.

Một chuyên gia về lịch sử Việt Nam cho rằng, những Châu bản được các vị vua triều Nguyễn phê duyệt không chỉ có hiệu lực về mặt hành chính trong cả nước, mà còn mang tính pháp lý quốc tế, bởi vậy giá trị của nó được ghi nhận tuyệt đối. Đặc biệt qua nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua các châu bản – mộc bản, giới chuyên gia về lịch sử trong nước lẫn quốc tế nhận thấy triều đình nhà Nguyễn đã huy động một lực lượng hùng hậu phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết...

 

Phòng Báo chí – Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

 

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 74052
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin