image Năm 2019 Chỉ đạo tuyên truyền
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019
Thứ 5, Ngày 14/11/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Ngày 5/11/2019, Bộ TT&TT đã ban hành Công văn số 3933/BTTTT-CBC do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ký gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; Các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương về việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019. (tải văn bản 3933.PDF.pdf tại đây)

 

Theo nội dung Công văn, thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia) và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2019 với Chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn và hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện triển khai các hoạt động tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với từng nhóm người, văn hóa vùng, miền, địa phương; tuyên truyền vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc miền núi; phối hợp tuyên truyền qua các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, mít tinh nhằm tạo phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy; thông tin, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã...

Đối với các cơ quan thông tấn báo chí, ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình; các tin, bài đăng trên báo in, báo điện tử; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người bị nhiễm HIV/AIDS...

Về nội dung tập trung tuyên truyền, công văn nêu rõ, các Sở TT&TT, các cơ quan thông tấn báo chí tập trung tuyên truyền về: 

Luật phòng, chống HIV/AIDS: Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, những điều khoản liên quan đến quyền tiếp cận điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS;

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV, sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP);

Điều trị bằng thuốc ARV: Lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV; lan tỏa thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (hay còn gọi là K=K) để người nhiễm HIV tiếp cận sớm dịch vụ điều trị ARV, tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ và hiểu ý nghĩa của tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện; lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; thông tin về các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương ...;

Lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có nguy cơ cao; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhất là với giới trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV; Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: Sự cần thiết, quyền lợi, mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như cách sử dụng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...;

Bộ TT&TT đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ được tác hại việc nhiễm HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, từ đó có ý thức, biện pháp phòng, chống có hiệu quả. Báo cáo kết quả công tác tuyên truyền các cơ quan gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Báo chí) trước ngày 20/12/2019 để Bộ báo cáo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm./.

Đinh Anh Tuấn
Lượt xem: 8808
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin