image Báo chí Thông tin tuyên truyền
VIỆT NAM NÂNG TẦM TÍN NHIỆM TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Thứ 6, Ngày 03/01/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Lãnh đạo nhiều quốc gia đã đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam, trong đó xem việc Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2021), cũng như việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 là minh chứng của sự tín nhiệm mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Nỗ lực đa phương toàn cầu

Tại Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) mới đây tổ chức ở New York (Mỹ), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã một lần nữa khẳng định quyết tâm thực hiện tốt trọng trách đa phương tại Hội đồng Bảo an LHQ của Việt Nam.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề nghị các nước phối hợp tích cực với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ và ASEAN trong thời gian tới, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp nhằm tăng cường quan hệ chính trị song phương, trao đổi đoàn, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại và giao lưu nhân dân.

Bài phát biểu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại phiên thảo luận cấp cao Khóa 74 Đại hội đồng LHQ (ngày 28/9/2019) đã dành thời gian nói đến “chủ nghĩa đa phương” trong bản đồ địa chính trị toàn cầu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu: “Những nỗ lực toàn cầu cũng đã mang lại những thành quả to lớn về phát triển. Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, giáo dục tiểu học đã được phổ cập ở nhiều quốc gia, tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em giảm đáng kể. Chúng ta đã cùng nhau xây dựng được các chiến lược quan trọng, tạo khuôn khổ cho các nỗ lực phát triển toàn cầu…

Nhưng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức gay gắt hơn bao giờ hết. Các tiến trình đa phương ngày càng vấp phải nhiều khó khăn do xu hướng theo đuổi những lợi ích vị kỷ, lựa chọn sự áp đặt thay cho hợp tác, cạnh tranh, đối đầu thay vì đối thoại và phối hợp hành động, chính trị cường quyền thay vì theo đuổi những giá trị chung, tôn trọng luật pháp quốc tế. Cam kết chính trị và nguồn lực giảm sút đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của các nỗ lực đa phương toàn cầu…”.

Có thể nhận thấy, trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021, Việt Nam đã nêu rõ quan điểm, đường lối hoạt động nhất quán của mình để chống lại những “sự áp đặt” và “những lợi ích vị kỷ” đang có xu hướng “trì kéo” các nỗ lực đa phương toàn cầu.

Hợp tác đa phương có vai trò đặc biệt

Không phải không có lý do khi Việt Nam liên tục khẳng định “Hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”. Năm 2020 được Việt Nam kỳ vọng là một thời điểm then chốt để tiếp tục nâng tầm tín nhiệm trên trường quốc tế. Trên thực tế, quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam luôn gắn liền với các thể chế đa phương khu vực và quốc tế.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định “sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế đã giúp Việt Nam tái thiết và phát triển đất nước sau hàng thập kỷ chiến tranh, xây dựng khuôn khổ pháp luật, chính sách, đẩy mạnh hội nhập, đem lại những thành quả to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu. LHQ và các thể chế đa phương cũng là những diễn đàn chính trị, khuôn khổ pháp lý quan trọng để Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới”.

Một lần nữa, Việt Nam nhắc đến “thể chế đa phương” và “khuôn khổ pháp lý quốc tế quan trọng”.

Chính vì vậy, Việt Nam cho rằng “tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam tuyên bố “ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hoà giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế”.

Việt Nam kêu gọi việc dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh cấm vận đơn phương, trái với luật pháp quốc tế, đang được áp đặt đối với Cuba.

Việt Nam mạnh mẽ kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương… Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982.

HĐBA là cơ quan quốc tế nào?

Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, Hội đồng Bảo an (HĐBA) được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế (đoạn 1 Điều 24, Hiến chương LHQ).

Theo Điều 4 và 25 của Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên LHQ đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐBA. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên, các quyết định và nghị quyết của HĐBA theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý.

Mỗi thành viên thường trực và không thường trực nắm một lá phiếu, tuy nhiên chỉ 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết (phiếu chống của một thành viên thường trực đối với một quyết định mang tính thực chất của HĐBA). Theo thủ tục hoạt động tạm thời của HĐBA, các quyết định về các vấn đề mang tính thủ tục cần đạt tối thiểu 9/15 phiếu ủng hộ; các quyết định về các vấn đề thực chất cần đạt tối thiểu 9 phiếu ủng hộ và không bị bất kỳ thành viên thường trực nào phủ quyết.

Để hoàn thành trách nhiệm chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chức năng, nhiệm vụ và biện pháp triển khai của HĐBA được quy định chi tiết tại các Chương VI, VII, VIII của Hiến chương LHQ.

Nguồn: Phòng Báo chí 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 8176
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin