image Báo chí Thông tin tuyên truyền
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ HÌNH SỰ HÀNH VI KÊU GỌI KHÔNG BÁN KHẨU TRANG
Trong khi các ngành, các cấp, mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân và cả xã hội nói chung đang chung tay thực hiện phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19, thì đâu đó vẫn tồn tại một số hiệu thuốc tây thể hiện sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng bằng cách treo biển hết hàng, không có bán, thậm chí nếu có thì bán ở mức giá rất cao.
Thứ 2, Ngày 03/02/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Trước tình trạng nói trên, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên toàn quốc đã kiên quyết thanh kiểm tra, xử lý mạnh tay với các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với việc găm hàng, tàng trữ và bán giá cao hơn giá niêm yết đối với vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, dược phẩm,…). Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, và chất lượng đối với các nhóm mặt hàng nói trên.

Tại TP.HCM, từ đầu tháng 2/2020, UBND Thành phố đã có chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về giá, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang y tế gửi đến Cục Quản lý thị trường, các sở, ban, ngành và UBND các quận huyện.

UBND TP.HCM giao Cục QLTT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng khan hiếm hàng hóa để găm hàng, tăng giá, đưa ra thị trường các loại khẩu trang nhập lậu, giả, kém chất lượng.

UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận - huyện, phường, xã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trong buổi làm việc mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết liệt yêu cầu ngành công thương và các đơn vị liên quan phải tìm giải pháp tháo gỡ, tuyệt đối không để tình trạng vì thiếu nguyên liệu, khan hiếm nguồn hàng mà để xuất hiện trên thị trường những khẩu trang kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân Thành phố.

Còn tại Hà Nội, trong ngày 3/2/2020, lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội cho biết đơn vị đang phối hợp với công an thành phố điều tra, xử lý nghiêm trường hợp kêu gọi không bán khẩu trang trên Facebook.

Liên quan việc các cửa hàng tại chợ thuốc Hapulico treo biển “Không bán khẩu trang, nước rửa tay”, cũng trong chiều 3/2/2020, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết lực lượng quản lý thị trường đang phối hợp với công an vào cuộc kiểm tra, xử lý các trường hợp trên.

Theo đó, Cục QLTT Hà Nội sẽ giao cho quận Thanh Xuân trực tiếp làm việc với toà nhà Hapulico và các cửa hàng. Nếu quầy nào không có khẩu trang, ban quản lý toà nhà phải kiểm tra và xác nhận. Trường hợp hiệu thuốc còn hàng trong kho nhưng không bán sẽ bị xử nghiêm theo quy định.

Ngoài ra, trước sự việc một tài khoản Facebook kêu gọi không nhập hàng, bán khẩu trang trên hội nhóm, ông Kiên cho biết Cục QLTT Hà Nội đang phối hợp với công an thành phố điều tra chủ tài khoản này.

“Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh thì đây là hành động vô đạo đức. Chúng tôi sẽ điều tra, xử lý đến cùng trường hợp này, thậm chí xem xét xử lý hình sự”, ông Kiên nói.

Được biết, vào sáng ngày 3/2/2020, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt chia sẻ liên quan đến hình ảnh các cửa hiệu tại chợ thuốc Hapulico (Hà Nội) đồng loạt treo biển không bán khẩu trang và nước rửa tay.

Đỉnh điểm, tài khoản Facebook Nguyễn Kim D. còn kêu gọi: “Tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ Nhà nước lo, miễn phí hay bán giá như trước thì nhà em không làm được rồi...”.

Theo báo cáo từ ngành chức năng, chỉ trong ba ngày từ 31/1/2020- 2/2/2020, lực lượng QLTT toàn quốc đã xử lý 1.221 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên cả nước.

 Cao điểm trong ngày 2/2/2020, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.136 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, các cửa hiệu, nhà thuốc và tạm giữ 313.746 khẩu trang các loại. Như vậy, cộng dồn từ ngày 31/1/2020 đến ngày 2/2/2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 1.221 vụ và tạm giữ 318.616 chiếc khẩu trang (không kể số 94.000 chiếc do Cục QLTT TP.HCM xử lý đối với công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình).

TP.HCM  giám sát chặt việc kinh doanh khẩu trang y tế, kiên quyết xử phạt mạnh mọi hành vi găm hàng, tăng giá

 

Riêng đối với số hàng 94.000 khẩu trang do Cục QLTT TP.HCM tạm giữ, sau khi làm rõ hành vi để xử lý, công ty TNHH Thiết bị y tế Thời Thanh Bình đã cam kết không vi phạm, khắc phục vi phạm nhãn và đã chuyển 94.000 cái khẩu trang hiệu Medical về chi nhánh để bán ra phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Có thể khẳng định rằng, ở thời điểm dịch viêm phổi cấp Covid-19 đang bùng phát, thì nhu cầu về khẩu trang nói chung và khẩu trang y tế nói riêng, cũng như các sản phẩm vệ sinh đang tăng cao thì rõ ràng những hành động tư lợi, phát ngôn như thế đã không không ít bức xúc cho cộng đồng, và các hành động này cần phải được xử lý thích đáng.

Nguồn: Phòng Báo chí/ Minh Tài

Nguồn: Phòng Báo chí
Lượt xem: 15296
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin