image Tin hoạt động Báo chí
CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ - BIÊN GIỚI LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ BẤT KHẢ XÂM PHẠM
Thứ 3, Ngày 18/02/2020, 08:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng nhấn mạnh quan điểm rằng “Việt Nam luôn theo đuổi chính sách nhất quán là tham gia duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới, đồng thời khẳng định nếu đất nước bị xâm hại về chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc… thì Việt Nam sẽ sử dụng sức mạnh quân sự và quốc phòng để tự vệ”.

Việc công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện sự minh bạch hóa chính sách quốc phòng, xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, còn là tài liệu để toàn dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp cận được đường lối của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, từ đó thống nhất quân - dân một ý chí trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể khẳng định rằng, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện quyết tâm duy trì chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ của Đảng, Nhà nước Việt Nam; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời cũng khẳng định chủ trương củng cố và phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, đủ khả năng răn đe và đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh.

Trên tinh thần đó, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ “Biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bảo vệ biên giới là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc…”. Ngoài ra, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông. Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ

Thực tiễn trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước, Chính phủ ta luôn coi trọng việc duy trì và phát triển ổn định, bền vững quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia láng giềng, xác định đây là chủ trương nhất quán, lâu dài và là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vào ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị (Ban chấp hành Trung ương Đảng, Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia” nhằm không để bị động, bất ngờ về chiến lược; lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đây là chiến lược chuyên ngành quốc gia, hay nói cụ thể hơn thì đây chính là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước về tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo đó, Nghị quyết 33-NQ/TW xác định rõ quan điểm: quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.

Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (Khóa XII) cũng thể hiện rõ tính cấp thiết của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, là nhân tố quyết định đến cùng sự thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia;  và nhấn mạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia phải đặt trong tổng thể hai nhiệm vụ chiến lược, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời phải có sự kết hợp giữa xây dựng, quản lý với bảo vệ biên giới quốc gia, lấy xây dựng là trung tâm, quản lý, bảo vệ là trọng yếu, thường xuyên.

Bên cạnh quan điểm cần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp để quản lý, bảo vệ và phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, thì Nghị quyết 33 cũng đặc biệt đề cao một quan điểm then chốt khác, đó là “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới. Giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật, thông lệ quốc tế, vừa hợp tác - vừa đấu tranh và sẵn sàng kết hợp các biện pháp, hình thức khác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động xâm phạm, xâm chiếm biên giới quốc gia”.

Giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài gần 5,000km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc, với Lào ở phía tây và Campuchia ở phía tây nam, đi qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam và 21 tỉnh của các quốc gia láng giềng. Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển với bờ biển dài khoảng 3,260km, hơn 3,000 hòn đảo ven bờ và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong những năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến việc triển khai công tác về biên giới, lãnh thổ. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao và quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, về cơ bản Việt Nam đã hoàn tất việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền với các nước láng giềng; cùng các bên liên quan phối hợp quản lý đường biên giới, mốc quốc giới một cách hiệu quả, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Đơn cử, vào ngày 31/12/2008 tại Hà Nội, sau gần 8 năm đàm phán và triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa, hai trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đúng thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt - Trung, thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước xã hội chủ nghĩa giải quyết hòa bình, công bằng các vấn đề do lịch sử để lại, có tính đến lợi ích của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế và Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt – Trung năm 1999, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Theo đó, hai bên đã phân giới xong toàn bộ khoảng 1.400km đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cắm 1.971 cột mốc (trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ). Đường biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc được xác định và mô tả chi tiết đúng với tình hình thực tế, phù hợp với lời văn Hiệp ước 1999; mức độ cột mốc dày đặc, dễ nhận biết, bảo đảm tính chính xác và tính bền vững, có giá trị và độ tin cậy cao cả về mặt kỹ thuật cũng như về tính pháp lý.

Với Vương quốc Campuchia láng giềng, ngay từ cuối tháng 6/1967, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao trên phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hơn 52 năm qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, song với sự nỗ lực, cố gắng của 2 bên, quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, thực sự trở thành nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia của mỗi nước.

Tại Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2006 - 2019 diễn ra vào sáng 5/10/2019 ở thủ đô Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, từ năm 2006, Việt Nam - Campuchia đã tái khởi động công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước căn cứ theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005.

Tính đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới cắm mốc đối với khoảng 1.045 km đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, tức là đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đều đánh giá cao ý nghĩa của thành quả đạt được kể trên, khẳng định đây là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Với nước bạn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, sau những nỗ lực chung của cả hai bên, ngày 9/7/2013, Việt Nam và Lào đã hoàn thành công tác cắm mốc biên giới giữa hai nước trên thực địa và khánh thành mốc đại (số 460) tại cặp cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Nghệ An - Nậm On, tỉnh Borikhamxay (Bo Ly Khăm Xay).

Được biết, ngay từ đầu năm 1987, Việt Nam và Lào đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới với 214 cột mốc với nền tảng là Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được ký kết vào ngày 18/7/1977. Tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 2.067km và cũng là đường biên giới trên bộ dài nhất của Việt Nam với một nước láng giềng.

Đến ngày ngày 30/1/2008, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào thống nhất phối hợp xây dựng và thực hiện "Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào", nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Trên tinh thần đó, số liệu được Bộ Ngoại giao công bố tại Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/9/2017 cho thấy, hai bên đã cắm 834 cột mốc chính tại 792 vị trí theo như kế hoạch ban đầu, đồng thời cắm bổ sung 168 cọc dấu tại 113 vị trí để làm rõ thêm đường biên giới ở một số khu vực (tổng số mốc trên toàn tuyến tăng gấp 4,5 lần so với trước, trung bình khoảng 2,6 km có một vị trí mốc hoặc cọc dấu). Trong quá trình 10 năm, hai bên đã phối hợp tổ chức 63 cuộc họp các cấp, gần 100 đoàn công tác liên ngành song phương và hàng ngàn cuộc họp, làm việc giữa các cặp tỉnh  và các đội cắm mốc liên hợp (của hai quốc gia).

Đánh giá về kết quả này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Xuyên suốt qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng ta, có thể thấy rằng, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội, mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, được xác định là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn bao giờ hết, quan điểm và truyền thống được truyền từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam, của biết bao thế hệ con Rồng – cháu Tiên là sắt son, là kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, từ đất liền cho đến hải đảo được đồng chí Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ (Hà Nội) vào sáng ngày 15/10/2019. Khi đó, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị Trung ương 11 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) đã dành một buổi nghe báo cáo vấn đề đối ngoại để tạo sự thống nhất, và đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam là “cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng cái gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc, ta không bao giờ nhân nhượng, tinh thần của ta là quyết chiến, quyết thắng”.

Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức thiêng liêng và cao cả, bởi đó chính là nhiệm vụ gìn giữ tài sản vô giá mà ông cha ta đã phải đổi bằng xương máu trong lịch sử tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc.

 

 

 

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 94833
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin