image Tin hoạt động Báo chí
Xây dựng đô thị thông minh: Phát huy sức mạnh tự thân gắn kết với đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thứ 6, Ngày 22/11/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Xây dựng đô thị thông minh: Phát huy sức mạnh tự thân gắn kết với đẩy mạnh hợp tác quốc tế

 

Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thể hiện khát vọng của một Thành phố không ngừng năng động -  sáng tạo, tập trung hoàn thành 4 mục tiêu chính là (1) đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số, (2) quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, (3) nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, (4) tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.

 

Được chính thức triển khai từ cuối tháng 11.2017, Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 có tầm nhìn trước tiên là đặt người dân làm trung tâm của đô thị, hay nói cho dễ hiểu là người dân sẽ có chất lượng tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát và xây dựng thành phố. Có thể khẳng định rằng, triển khai đô thị thông minh – thành phố thông minh (smartcity) chính là tạo cơ hội để Thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như công nghiệp vi mạch, tận dụng dữ liệu mở, người dân, doanh nghiệp và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao. Đồng thời, một đô thị thông minh – đô thị sáng tạo sẽ kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở….

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu quốc tế tham dự hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025” diễn ra hôm 26/11/2017. (Ảnh: Thanhuytphcm)

So với nhiều địa phương khác, xét trên nhiều mặt, TPHCM hội đủ những cơ sở, điều kiện, tiền đề vật chất, kỹ thuật cùng các yếu tố kinh tế - xã hội, nhân tố con người để xây dựng thành một thành thông minh, đô thị sáng tạo mang tính hình mẫu của Việt Nam. Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh là xu hướng phát triển tất yếu của Thành phố, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khách quan của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng là đáp ứng nhu cầu cộng hưởng, tương tác, chia sẻ từ người dân Thành phố, nhằm hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân Thành phố.

Từ ưu thế “nội lực” con người

Một trong những điểm nhấn, cốt lõi, hạt nhân về định hướng không gian đô thị của TPHCM để phát triển thành phố thông minh, đô thị sáng tạo là tiềm năng, thế mạnh về con người – nguồn nhân lực quan trọng. Trong khi đó, phần lớn nguồn nhân lực – đội ngũ lao động của Thành phố được đào tạo chuyên ngành từ các trường trung học, cao đẳng, đại học, đào tạo từ trong nước và quốc tế. Đội ngũ cán bộ - công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, chiếm tỷ lệ 40% cả nước.

Tại hội thảo quốc tế Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TP.HCM diễn ra hôm 28/7/2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cho biết, Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã xác định 7 chương trình đột phá của TP. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, TP nhận thấy những chương trình này chưa đủ và Thành phố có Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã được triển khai từ 2017. Sau khi thực hiện Đề án này được 1 năm, Thành phố lại điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, đó là xây dựng đô thị sáng tạo của TPHCM và khi triển khai đô thị thông minh cần có hạt nhân bên trong Thành phố và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở TPHCM.

Hội thảo Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TPHCM thu hút được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về quy hoạch trong và ngoài nước (Ảnh: Ninh Cơ/Báo Đầu tư)

Cũng theo người đứng đầu Đảng bộ Thành phố, mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo của TPHCM nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ,…

Tại hội thảo này, đồng chí Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Thành phố mong muốn sẽ tổ chức cuộc thi để lựa chọn các hãng tư vấn quốc tế nhằm hỗ trợ TP xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể cho đô thị sáng tạo TP, rồi sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị đổi mới sáng tạo của Thành phố.

 

…đến chủ động hợp tác

Cùng với việc khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai có hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là Xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của Thành phố; Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; và Thành lập Trung tâm An toàn thông tin cho Thành phố bằng chính nguồn nhân lực tại chỗ, thì ngay từ đầu năm 2018, Thành ủy và UBND Thành phố cũng chú trọng các hoạt động học tập kinh nghiệm của bạn bè và đối tác quốc tế thông qua hàng loạt hội thảo, tọa đàm chuyên ngành được tổ chức trong và ngoài nước, cũng như thông qua các buổi tiếp xúc giữa đại diện UBND, các Sở - Ban ngành của Thành phố với các đoàn công tác ngoại giao nước ngoài, các nhà đầu tư quốc tế.

 

Phát huy tất cả thế mạnh tiềm năng hiện có, kết hợp chủ động việc học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn triển khai đô thị thông minh tại các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Phần Lan, vương quốc Anh, Israel, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc cùng một số quốc gia châu Âu khác… cũng như nghiêm túc tham vấn và lắng nghe các tập đoàn tư vấn công nghệ hàng đầu quốc tế như Intel, Qualcomm,….

 

Đơn cử, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Israel hồi tháng 5/2018, Đoàn Đại biểu cấp cao TPHCM do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã tham dự Toạ đàm về các giải pháp đô thị thông minh do Bộ Ngoại giao Israel tổ chức cũng như có nhiều buổi thăm quan thực tế các mô hình triển khai smartcity tại quốc gia này. Tại tất cả buổi tiếp xúc, các đối tác doanh nghiệp, chuyên gia và nhà khoa học phía nước bạn đều bày tỏ được hỗ trợ và đồng hành cùng TPHCM trong việc triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh gắn liền với đô thị sáng tạo và các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp - sáng tạo của Thành phố.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm Đô thị thông minh giữa TPHCM và Hoa Kỳ  diễn ra hôm 25/1/2018, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chứng kiến đại diện Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM và Cơ quan Thương mại & Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) ký kết thỏa thuận tài trợ xây dựng Tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ của TPHCM thông qua một số viễn thông duy nhất giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020.

Nhiều đoàn công tác của Thành phố, với sự tham gia của nhiều Sở - ngành có liên quan, sau các chuyến học tập kinh nghiệm này đã tích cực cùng với đơn vị chức năng là thành viên Ban điều hành nhanh chóng “vào cuộc”, triển khai đề án xây dựng đề án theo hướng ưu tiên tập trung, bám sát các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá đã được UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch thực hiện, và những lĩnh vực có vấn đề bức xúc liên quan đến cuộc sống của người dân, cụ thể như Cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; Giao thông; Chống ngập; Môi trường; Y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm; An ninh trật tự an toàn xã hội; Chỉnh trang đô thị,…

Cùng với việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng CNTT vào quá trình xây dựng đề án đô thị thông minh, TPHCM còn nhận thức rõ các nền tảng liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những hạt nhân để phát triển Thành phố trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền tảng triển khai thành công đề án đô thị thông minh.

Theo đó, tại Hội thảo quốc tế Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho TPHCM diễn ra hôm 25/9/2019 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định Thành phố đang từng bước trở mình để trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Thành phố đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn cùng trao đổi, lắng nghe góp ý, hiến kế, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chưa dừng lại ở đó, Sở Thông tin & Truyền thông và Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố cũng đã thể hiện tính chủ động trong việc triển khai các chương trình thúc đẩy các doanh nghiệp ICT và doanh nghiệp KHCN nói chung tham gia vào các dự án hợp phần của đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh như Trung tâm dữ liệu dùng chung, Trung tâm an ninh mạng và an toàn thông tin, các ứng dụng thiết thực hỗ trợ người dân và chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước qua nhiều hoạt động tài trợ nghiên cứu, xã hội hóa các giải pháp phần cứng, phần mềm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

 

Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược “2 cánh”

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh rằng, giải pháp quyết định cho một thành phố thông minh là công dân của thành phố phải là chủ thể của đô thị thông minh, cùng với đó là đánh giá của người dân, sự hài lòng của người dân về việc đô thị thông minh đã làm đến đâu.

“Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược “2 cánh”.

Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững là trách nhiệm của nhà quản lý để quy hoạch thành phố để phát triển bền vững. Cánh thứ 2 là quản lý thông minh, quản lý các ngành, doanh nghiệp và công dân một cách thông minh. Tuy nhiên, cũng cần tùy thuộc vào từng địa phương để lựa chọn lĩnh vực nào trước hay sau”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.

 

Lợi ích đối với người dân

Giám đốc Sở TTTT - PGS, TS. Dương Anh Đức cho biết, việc xây dựng đô thị thông minh sẽ đem lại những lợi ích cho người dân. Cụ thể, đô thị thông minh góp phần đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích bao gồm: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỷ lệ tội phạm thấp; các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.

 

Đô thị thông minh cũng góp phần nâng cao năng suất lao động. Người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới. Các dịch vụ hạ tầng này bao gồm: kết nối Internet băng rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập; hệ thống giao thông vận tải đạt hiệu quả.

 

Đô thị thông minh còn nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Thông qua dự báo, đô thị thông minh giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, từ đó cho phép nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên cũng đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai.

 

Nguồn: Phòng Báo chí

Trần Minh Tài
Lượt xem: 61311
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin