image Tin hoạt động Báo chí
Chiến sĩ Gạc Ma kiên cường, anh hùng sống mãi cùng non sông Việt Nam
Thứ 6, Ngày 13/03/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Biển đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo cũng chính là nhân tố quan trọng giúp đảm bảo cho quốc gia, dân tộc phát triển cường thịnh, bền vững.

Trong sứ mệnh thiêng liêng này, việc tuyên truyền về biển đảo quê hương để mỗi công dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng ý thức được việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia là trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc, có một ý nghĩa rất quan trọng.

Cờ Tổ quốc tung bay tại Nhà giàn DK1 (Ảnh: Đình Quân)

Tuyên truyền về biển đảo là hình thức bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về vai trò, vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; giữ gìn, bồi đắp tình yêu, tăng cường ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển và chấp hành pháp luật về biển, đảo.

Truyền thống vào trung tuần tháng 3 hằng năm, cả dân tộc Việt Nam đều dành ra những khoảnh khắc thiêng liêng nhất, lắng đọng nhất để cùng nhau ôn lại, tưởng niệm và tri ân những người chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống trong công cuộc bảo vệ và xây dựng các đảo trong hệ thống quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa qua các giai đoạn lịch sử.

Sự hy sinh thiêng liêng ấy của các chiến sĩ không chỉ tô thêm sắc màu đỏ thẫm cho lá cờ Tổ quốc, mà còn khẳng định một sự thật không thể chối cãi vốn đã được chứng minh qua thời gian rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt của dải đất hình chữ S, cũng hệt như xác thân của các anh đã lặng lẽ nhưng đầy kiên trung hòa vào muôn trùng cơn sóng, từng vị mặn của biển cả, biến biển Đông thành máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam.

Vòng hoa tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988, phía xa (bên trái) là đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và tàu Trung Quốc (bên phải)

Mặc dù hiện nay, quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa bị một số quốc gia khác chiếm đóng trái phép, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế lẫn quy tắc ứng xử trên biển Đông, nhưng trận chiến anh dũng bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của lực lượng Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1988 là sự kiện quan trọng trong chuỗi mắc xích các sự kiện liên tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Kiên cường Gạc Ma – còn người, còn đảo

Từ cuối năm 1986 đến năm 1987, các hoạt động trinh sát, xâm nhập, khai thác trái phép tài nguyên của nước ngoài ngày càng gia tăng và càng lấn sâu vào vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa đã khiến tình hình trong khu vực hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, tất cả đều nằm trong dự báo, tiên liệu của các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như Bộ Tư lệnh Hải quân lúc bấy giờ.

Trước đó, Việt Nam đã chủ động tổ chức, triển khai lực lượng, nhanh chóng đóng giữ các đảo, các bãi đá ngầm trên quần đảo Hoàng Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Nhằm đề phòng những xung đột quân sự nhỏ có thể bùng nổ thành những cuộc xung đột lớn trên biển, Tư lệnh Hải Quân quân Việt Nam – Đô đốc Giáp Văn Cương ở thời điểm lúc bấy giờ đã ra lệnh rằng: hết sức bình tình, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết, táo bạo với phương châm “có người, có đảo, còn người, còn đảo”.

Đảo Len Đao ngày nay

Trong những ngày đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc bắt đầu cho quân chiếm đóng trái phép một số bãi đa thuộc quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam như Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ và Xu Bi. Trước tình hình này, lực lượng Hải Quân đã nhanh chóng triển khai xây dựng thế trận phòng thủ ở các đảo Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan và Núi Le, bước đầu ngăn chặn có hiệu quả hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng trái phép của phía Trung Quốc sang các đảo lân cận.

Ngoài ra, các đảo như Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao cũng được xác định là các vị trí chiến lược, cần bảo vệ tuyệt đối vì ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiếp tế, giữ vững chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Đến đầu tháng 3/1988, phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường số tàu chiến tại khu vực quần đảo Trường Sa lên mức 9-12 chiếc, trang bị pháo lớn và cả tên lửa.

Đảo Cô Lin ngày nay

Với tinh thần bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền biển đảo, từ ngày 12/3/1988, Hải Quân Việt Nam đã triển khai tàu vận tải HQ-605 từ đảo Đá Đông ra giữ đảo Len Đao, vào lúc 5 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-605 đã đổ bổ lên đảo Len Đao và thực hiện cắm Quốc kỳ Việt Nam, khẳng định chủ quyền.

Song song đó, từ ngày 13/3 thì các tàu HQ-505 và HQ-604 từ đảo Đá Lớn di chuyển về đảo Gạc Ma, Cô Lin. Cùng phối hợp với HQ-505 còn có 2 phân đội công binh (70 người) và 4 tổ chiến đấu (22 người) cùng một số chiến sĩ đo đạc vẽ bản đồ.

Theo các tư liệu, khi tàu HQ-604 đến đảo Gạc Ma vào khoảng 5 giờ chiều cùng ngày 13/3 thì các tàu chiến Trung Quốc đã có hành áp sát, bao vây, dùng loa khiêu khích. Giống tại Len Đao, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hết sức kiềm chế, kiên trì neo giữ đảo và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Lực lượng Hải quân đã nhanh chóng triển khai lực lượng đổ bộ lên bờ, cắm cờ Tổ quốc và bố tri đội hình bảo vệ đảo.

Tại đảo Cô Lin, Hải quân Việt Nam đã tiếp cận đảo và thực hiện cắm cờ Tổ quốc vào lúc 6 giờ sáng ngày 14/3/1988.

Từ sáng ngày 14/3/1988, phía Trung Quốc đã Ngông cuồng và điên loạn khi cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma,  Cô Lin và Len Đao, giựt hạ Quốc kỳ Việt Nam, dùng vũ lực tấn công các tàu vận tải của Việt Nam hòng chiếm đảo.

Mặc dù yếu thế về mặt lực lượng lẫn phương tiện vũ khí, lực lượng Hải quân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh, tuân thủ phương châm hết sức kiềm chế, chiến đấu tự vệ để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Cô Lin, Len Đao, đồng thời khẳng định chủ quyền từ bao đời nay của Việt Nam tại đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực.

Nhằm nâng cao trách nhiệm, tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, biển, đảo; đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân Thành phố với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phàn chăm lo thiết thực đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng phối hợp bảo vệ các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, từ ngày 23/9 đến ngày 30/9/2019, Đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM đã có chuyến thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc vùng biển Tây Nam. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, trưởng đoàn, đang hướng mắt về nhà giàn DK1/10 để chờ giao lưu với các chiến sĩ nhà giàn qua điện đàm.

32 năm, hình ảnh các chiến sĩ nắm tay nhau trước họng súng quân thù, tạo ra “vòng tròn bất tử” quyết tâm giữ vững lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam đã trở thành tượng đài sống, những cột mốc chủ quyền sống. của lòng yêu nước, tinh thần kiên trung – sắc son với quốc gia, dân tộc.

64 người chiến sĩ của trận chiến bảo vệ biển đảo ngày 14/3/1989 đã phải nằm lại giữa lòng biển sâu và cả non sông Việt Nam này chưa bao giờ quên, chưa bao giờ thôi khắc khoải nhớ về các anh, người bộ đội cụ Hồ, những người đã hòa máu xương mình vào biển cả để viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.

Hoàng Sa và Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam, đó là chân lý không được quên, không thể chối cãi, cả dân tộc Việt Nam phải bảo vệ bằng mọi giá trên tinh thần tuân thủ các quy tắc, luật pháp quốc tế, hòa bình và đối thoại. Quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma và những Chữ Thập, Châu Viên... hơn bao giờ hết vẫn là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam vẫn còn bị chiếm đóng trái phép.

Ngày nay, tại nhiều đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã và đang ngày đêm giữ vững tay súng, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng lãnh hải, hải đảo của đất nước, cùng với đó là gia tăng các hoạt động nghiên cứu khoa học, khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với an ninh quốc phòng, từng bước khẳng định với quốc tế với đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện nhưng không khoan nhượng, lùi bước trước mọi thách thức về chủ quyền liêng thiêng.

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 30468
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin