image Tin hoạt động Sở Tin tức sự kiện chuyên ngành
Chính quyền ‘chơi’ fanpage
Chủ Nhật, Ngày 16/09/2018, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Sau khi trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tổng đài trực tuyến 1022, TP.HCM vận hành thêm fanpage để mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, tương tác nhanh với người dân.

Hệ thống 1022 đang tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn TP.HCM gồm 6 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và giao thông công cộng.

Hệ thống cung cấp 5 phương thức để tiếp nhận thông tin: tổng đài 1022 (cung cấp thông tin sự cố qua hình thức gọi điện thoại đến số tổng đài 1022); Mobile App “Tổng đài 1022” (phiên bản trên Android và trên iOS), cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố trên bản đồ để phản ánh; nhắn tin SMS phản ánh thông tin sự cố và gửi đến số tổng đài 1022; truy cập cổng thông tin điện tử https://1022.tphcm.gov.vn và hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn.

Theo thống kê tự động, từ khi bắt đầu vận hành vào tháng 4.2013 - 8.2018, có gần 100.000 lượt phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật, hơn 590.000 lượt phản ánh về dịch vụ xe buýt. Tất cả phản ánh của người dân được chuyển đến gần 100 đơn vị quản lý chuyên ngành xử lý, báo cáo kết quả lên hệ thống.

Tổng đài viên hệ thống 1022 của TP.HCM tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 24/7
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

PV Thanh Niên khảo sát ngẫu nhiên 3 trường hợp phản ánh và có thông báo kết quả xử lý qua hệ thống 1022 (bằng cách gọi điện thoại đến người phản ánh): nắp cống bị sụp tại 66/1 Đồng Tâm, xã Trung Chánh (H.Hóc Môn) ngày 27.8; đơn vị cây xanh cắt tỉa cây ở đường Võ Công Tồn, P.Tân Quý (Q.Tân Phú) nhưng không thu dọn vào ngày 31.8; 3 đoạn phân cách bằng bê tông bị đẩy lệch nằm giữa đường ở ngã tư Vườn Lài - QL1A, P.An Phú Đông (Q.12) đe dọa an toàn người đi đường vào ngày 3.9. 

 
 

Tiện ích thông minh "bùng nổ"

Tính đến tháng 7.2018, cả nước có 26 tỉnh, thành tận dụng tiện ích của mạng xã hội Zalo để giúp người dân, không chỉ thuận lợi trong việc làm thủ tục hành chính, mà còn dễ dàng tương tác với cơ quan quản lý nhà nước khi có nhu cầu. Cụ thể, các tỉnh, thành đã chính thức đi vào hoạt động: Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Đắk Nông. Các tỉnh, thành đang trong quá trình hoàn thiện: Hà Giang, Yên Bái, Phú Yên, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bến Tre, Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Giang.

 

 

Cả 3 người dân đều cho biết ngay trong ngày phản ánh, đơn vị chức năng đã tiến hành khắc phục. “Tôi hành nghề chạy xe ôm, hôm đó buổi trưa chở khách chạy qua ngã tư Vườn Lài - QL1A, thấy dải phân cách giữa đường bị lệch nên dừng xe gọi phản ánh. Đến chiều đi qua lại đoạn đường đó thì thấy được chỉnh lại ngay ngắn rồi”, anh Thắng, người phản ánh, cho biết.

Mở rộng tương tác “chớp nhoáng”

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT (cơ quan chủ trì triển khai chỉ đạo của UBND TP.HCM về xây dựng, vận hành hệ thống 1022) cho biết, thông tin sự cố hạ tầng thông thường khi tiếp nhận thì quy định thời gian các đơn vị chức năng xử lý hoàn thành trong vòng từ 1 - 24 giờ; nếu sự cố phức tạp, đòi hỏi có sự đầu tư làm mới thì thời gian khắc phục dài hơn vì phải tiến hành các bước thủ tục theo quy định.

Theo ông Lê Quốc Cường, hệ thống 1022 đang được vận hành ổn định và liên tục 24/7, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân TP, nâng cao trách nhiệm của bộ máy chính quyền trong việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các thông tin, phản ánh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Tuy nhiên, nhằm tạo nhiều tiện ích cho người dân, đa dạng các phương thức phản ánh, Sở TT-TT đã mở rộng thêm kênh tiếp nhận thông qua mạng xã hội Facebook bằng hình thức lập fanpage cho hệ thống 1022 (facebook.com/1022tphcm), mục đích để sự tương tác giữa chính quyền và người dân được thuận lợi và nhanh chóng hơn nữa.

Về cách thức quản trị fanpage và quy trình xử lý thông tin, ông Cường cho biết: “Người dân có thể sử dụng tài khoản Facebook của cá nhân để kết nối với fanpage của hệ thống 1022. Fanpage của hệ thống 1022 cho phép người dân truy cập và cung cấp thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật xảy ra trên địa bàn bằng hình ảnh, video... Tổng đài viên sẽ lọc những thông tin phản ánh chính xác, nhập vào hệ thống và xử lý theo quy trình đã được cấu hình sẵn, thống nhất như các kênh tiếp nhận khác, sau đó kết quả xử lý cũng được cập nhật công khai để người dân giám sát, theo dõi. Hiện tại fanpage đang chạy thử nghiệm, dự kiến cuối tháng 10.2018 đưa vào vận hành chính thức”.

Về định hướng hoạt động, ông Cường cho biết fanpage không chỉ đơn thuần tiếp nhận phản ánh thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật, mà còn là kênh mở rộng tiếp nhận thông tin lĩnh vực môi trường và trật tự đô thị, lòng lề đường… Đặc biệt, đây cũng là kênh cung cấp thông tin về các tiện tích của dịch vụ công, thông tin thời tiết, cúp điện, cúp nước, kẹt xe, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự... theo hướng “ngàn thông tin, một kết nối”.

“Trị” bệnh quan liêu, trì trệ

Chuyên viên cao cấp - TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), cho rằng chính quyền khi “chơi” fanpage thì hoàn toàn có thể góp phần hướng đến xây dựng một chính quyền thân thiện, gần dân và giảm bớt phiền hà cho người dân trong quá trình làm thủ tục hành chính. Tương tự, ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP.HCM, nói: “Facebook được biết như mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay nên việc “chơi” fanpage sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Người dân có thể like, chia sẻ thông tin một cách nhanh chóng cho người khác biết về sự cố và tình hình khắc phục để đảm bảo an toàn trong đi lại, sinh hoạt. Việc đầu tư kết nối, tích hợp cổng thông tin điện tử, Mobile App với mạng xã hội là sự cần thiết theo xu thế hiện tại”.

GS-TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng fanpage tạo ra tiện ích tương tác “thông minh” giữa chính quyền và người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất. “Thông tin minh bạch trên fanpage làm cơ sở cho việc cấp trên giám sát có hiệu quả hành động của cấp dưới, trị bệnh quan liêu, trì trệ trong thực thi công vụ có liên quan mật thiết đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Khi thông tin đã công khai, nhận diện dễ dàng, truy cứu trách nhiệm rõ ràng, thì anh có muốn nhiêu khê cũng không nhiêu khê được”, ông Sen nói.

Trả lời Thanh Niên, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP, Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP, khẳng định TP sử dụng kênh kết nối qua fanpage bởi người dân sử dụng nhiều, dễ tương tác, chia sẻ. Fanpage tích hợp trong hệ thống 1022 sẽ thống kê tự động những đơn vị chậm khắc phục sự cố, làm cơ sở xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Hệ thống cũng thống kê những cá nhân, tổ chức phản ánh tích cực để được xem xét biểu dương. “Lập fanpage là một trong những nỗ lực cải cách hoạt động công vụ của TP, hướng đến hành động nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công. TP.HCM đã ban hành quy chế vận hành hệ thống tổng đài 1022. Chủ trương của TP là xử lý nghiêm trường hợp không giải quyết kịp thời phản ánh chính đáng của người dân”, ông Tuyến nói.

TP.HCM mời gọi đầu tư xây dựng hai trung tâm đô thị thông minh

Ngày 15.9, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay để thực hiện mục tiêu xây dựng TP thành đô thị thông minh, TP đề ra các giải pháp thực hiện thành công 5 trung tâm, trụ cột cốt lõi và căn cơ của đề án. Trong đó, xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn cho toàn TP được số hóa hoàn toàn; xây dựng một công ty an ninh thông tin thu hút các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này để đóng góp cho TP; xây dựng hai trung tâm giúp TP điều hành thông minh các vấn đề về “an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp TP mô phỏng, dự báo kinh tế - xã hội của TP” cho tầm nhìn xa một cách chính xác...

Về các giải pháp cụ thể, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhà nước phải đầu tư hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp mở ở toàn TP cho bốn chủ thể khai thác như dữ liệu về dân cư, kinh tế, giáo dục, giao thông; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho cấp TP, sở, ngành, quận, huyện... Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà đầu tư cần làm sáng tỏ những nội dung liên quan đến hai trung tâm như đầu vào và đầu ra, thiết kế các chức năng, kinh nghiệm vận hành, doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tổng thể... (Trung Hiếu)

 

Tác giả: Đình Phú

 

 

Nguồn: Báo Thanh niên
Lượt xem: 6862
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin