image Báo chí Thông tin tuyên truyền
HƠN 10 QUỐC GIA ĐỀ NGHỊ MUA SẢN PHẨM TEST KIT PHÁT HIỆN SARS-CoV-2 DO VIỆT NAM SẢN XUẤT
Có thể khẳng định rằng, tính đến thời điểm hiện tại, năng lực sản xuất kit thử SARS-CoV-2 của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.
Thứ 2, Ngày 16/03/2020, 04:46 CH Cỡ chữ Màu chữ image

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện, tính đến nay, đã có hơn 10 quốc gia đề nghị mua sản phẩm do Việt Nam sản xuất này, bao gồm Campuchia, Nigeria, Ba Lan, Australia, Đức, Phần Lan, Ukraine, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland...

Hiện nhà sản xuất đã gửi đi Ukraine 50 bộ đầu tiên và Phần Lan 100 bộ để phía nhập khẩu đăng ký lưu hành tại nước sở tại, trước khi nhập khẩu chính thức.

Riêng Thành phố Hà Nội đã thông báo đặt mua 200.000 test, tức 4.000 bộ, để sử dụng tại Hà Nội và tặng các bệnh viện ở Italia, nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất ở châu Âu.

Được biết, ngay khi dịch bùng phát tại Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện những ca bệnh COVID-19 đầu tiên, Bộ Khoa học - công nghệ đã phê duyệt 4 đề tài nghiên cứu nhằm phục vụ phòng chống dịch bệnh này.

Đại diện nhà sản xuất cho biết, mỗi bộ test kit gồm 50 test, mỗi test sử dụng kiểm tra cho một người, thời gian cho kết quả (bao gồm cả thời gian chuẩn bị bệnh phẩm) là hai giờ đồng hồ. So với các sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc và của CDC Mỹ cung cấp, mỗi xét nghiệm nếu sử dụng test do Việt Nam sản xuất chỉ cần sử dụng một test, loại của Hàn Quốc sản xuất cần sử dụng hai test, loại của CDC Mỹ cung cấp cần đến bốn test. Về giá thành, hiện sản phẩm do Việt Nam sản xuất có giá 400.000 - 600.000 đồng/xét nghiệm. So với sản phẩm nhập khẩu, thời gian cho kết quả của test kit do Việt Á sản xuất là tương đương, tuy nhiên giá thành của sản phẩm lại rẻ hơn khoảng một nửa.

Cũng theo đại diện công ty Việt Á, năng lực sản xuất của đơn vị này vào khoảng 10.000 bộ kit/ngày, và đặc biệt khi cần có thể tăng năng suất lên 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Công ty Việt Á cũng cho biết thêm đã có một số đơn vị ở Đà Nẵng, Bắc Giang, phòng xét nghiệm của các bệnh viện Bạch Mai, T.Ư Huế, ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên... sử dụng sản phẩm Việt Nam sản xuất.

 

 

Để có thành quả này, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit chống SARS-CoV-2 là Thượng tá - PGS.TS Hồ Anh Sơn (Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự) và Trưởng phòng vi sinh vật và các mầm bệnh sinh học cũng tại Viện là Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử cùng nhóm cán bộ của Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự thuộc Học viện Quân Y đã làm việc đêm ngày bằng tất cả tâm sức của mình.

PGS.TS Hồ Anh Sơn cho biết khi Việt Nam bắt đầu tiếp nhận ca bệnh đầu tiên, thì Bộ Khoa học và Công nghệ đã ngay lập tức lấy ý kiến của các nhà khoa học về việc đánh giá về dịch bệnh cũng như nhiên cứu phát triển bộ test kit xét nghiệm SARS-CoV-2 khi số lượng test nhanh tại Việt Nam rất ít và đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nước ngoài. Trên tinh thần đó, Bộ KHCN đã giao cho Học viện Quân Y hai tuần để có kit thử nghiệm và sau một tháng có sản phẩm sử dụng. "Với chúng tôi lúc đó đúng là ở trạng thái 'ăn virus, ngủ virus và mơ cũng về virus Corona'”, ông Sơn nói.

Về phần mình, ông Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y khẳng định “Bộ Kit đảm bảo về chất lượng, độ nhạy, tính ổn định tương đương với các bộ Kit quốc tế nhập về Việt Nam. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lúc dịch bệnh đang là mối lo ngại trên toàn thế giới, đồng thời khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam”.

Ông Quyết cho biết thêm, sau khi có kết quả nghiên cứu, Học viện Quân y đã gửi đến Tạp chí virus học quốc tế Vigology. Sau đó, Tạp chí này cũng đã gửi nghiên cứu đến WHO, và tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu đến các phòng thí nghiệm khác và Học viện Quân y đã đồng ý".

Phòng Báo chí/Minh Tài

Nguồn: Phòng Báo chí
Lượt xem: 21938
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin