image Tin hoạt động Bưu chính viễn thông
Đã có IOC, TP.HCM quản lý đô thị bằng công nghệ
Thứ 5, Ngày 02/05/2019, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image
Thông tin của Trung tâm điều hành đô thị thông minh phục vụ cho lãnh đạo TP.HCM để quản lý, điều hành. Đồng thời sẽ 'mở' để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đầu tháng 5.2019, giai đoạn 1 của Trung tâm điều hành đô thị thông minh (Intelligent Operations Center - IOC; một trong 4 “trụ cột” của đề án Đô thị thông minh của TP.HCM) đặt tại UBND TP.HCM chính thức đi vào hoạt động.

“Lắng nghe” mạng xã hội

“IOC là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu quan trọng của đô thị phục vụ nhu cầu điều hành quản lý tổng thể của lãnh đạo. Qua đó giúp giám sát, phân tích đánh giá chất lượng dịch vụ, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách và định hướng phát triển TP.HCM”, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP, chia sẻ và cho biết thêm: “Các thông tin, dữ liệu được tích hợp lại và dùng các công cụ phân tích để phục vụ các mục đích khác nhau như: an ninh trật tự, giao thông, đô thị, giáo dục, tài nguyên - môi trường... Khi có sự cố, vụ việc thì hình ảnh, thông tin ngay lập tức được truyền về IOC phân tích, tổng hợp để cảnh báo cho lãnh đạo TP.HCM biết xử lý. Chúng tôi cũng đã phát triển các app (ứng dụng) trên điện thoại di động để cung cấp thông tin cho lãnh đạo, giúp việc điều hành dễ dàng, mọi lúc mọi nơi”.

Theo ông Lê Quốc Cường, ngoài kết nối thông tin, dữ liệu từ các sở, ban, ngành, IOC còn có công cụ để “lắng nghe mạng xã hội (MXH)”. “Nhiều sự việc người dân không phản ánh trực tiếp lên lãnh đạo mà “úp” lên MXH. IOC sẽ có những kênh “thụ động”, là công cụ tập hợp và phân tích thông tin người dân đang trao đổi, chia sẻ trên MXH. Lãnh đạo phải biết công dân TP.HCM đang suy nghĩ, trao đổi và quan tâm cái gì để nắm bắt dư luận xã hội”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hiện nay hệ thống camera chưa phủ khắp toàn TP.HCM, chưa đầy đủ các lớp như: tầm cao, trung và thấp… Nhưng lại có mạng lưới người dân với hàng ngàn camera điện thoại. Đây cũng là công cụ hỗ trợ rất lớn cho hệ thống 1022. Bởi người dân có thể quay phim, chụp ảnh những vấn đề, sự việc như: đánh nhau, tai nạn, đường phố hư hỏng, ùn tắc… Nếu người dân phản ánh lên kênh 1022 thì IOC tiếp nhận xử lý ngay, hoặc đưa lên MXH thì IOC cũng có công cụ thu thập thông tin, phân tích để xử lý.

Cụ thể hơn về công cụ này, ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa, Phó phòng Thông tin điện tử (Sở TT-TT TP.HCM) cho biết, tương tự Google, máy tính của trung tâm sẽ cài đặt, thiết lập các từ khóa. Trong ngày những từ khóa nào nổi lên nhiều thì sẽ dùng công cụ tìm hiểu, tổng hợp để nắm thông tin. Công cụ cũng dựa vào trend (xu hướng người dùng trên internet). Xu hướng tăng nhiều đến một ngưỡng nào đó (từ khóa chuyển màu đỏ) thì máy tính tự động gửi tin nhắn về email. Từ đó, bộ phận chuyên môn sẽ phân tích, đoán định những vấn đề liên quan.

“Mặc dù công nghệ phát triển nhưng công cụ chỉ là một phần giúp cho việc quản lý. Còn việc nhận định, đánh giá phân tích thì phải là con người, bộ phận chuyên môn. Người làm nhiệm vụ phân tích, đánh giá tác động của thông tin để tham mưu cho lãnh đạo đòi hỏi có kinh nghiệm, hiểu được xu hướng xã hội”, ông Hòa nói và chia sẻ thêm: “Sắp tới, chúng tôi sẽ thuê thêm chuyên gia đầu ngành để phân tích, đánh giá những thông tin thu thập từ MXH. Tương lai, nếu ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) thì công cụ còn hỗ trợ tốt hơn nữa”.

Dữ liệu “mở” phục vụ người dân, doanh nghiệp

Theo ông Lê Quốc Cường, thông tin của IOC trước hết ưu tiên phục vụ, cung cấp cho lãnh đạo TP.HCM để chỉ đạo, điều hành. Đồng thời sẽ chọn lọc thông tin để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp sử dụng trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tính riêng tư và an toàn thông tin.

“Chúng tôi sẽ phát triển các ứng dụng (app) để người dân tra cứu thông tin. IOC sẽ tổng hợp thông tin, cung cấp thông tin qua một cổng thông tin duy nhất để người dân không phải dùng nhiều app. Hiện nay, một số thông tin đã được cung cấp cho người dân qua các app, tổng đài như sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022, trật tự, thông tin giao thông, ngập lụt...”, ông Cường cho hay.

IOC làm được những gì ?

IOC gồm hai khối chính gồm: Tiếp nhận, điều phối và giám sát xử lý phản ảnh; Trung tâm thông tin điều hành. Hiện nay, IOC đã tích hợp được dữ liệu hình ảnh từ 1.107 camera giám sát giao thông của công an TP.HCM, camera của Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, hệ thống camera an ninh trên địa bàn các quận, huyện và khu vực để kết nối thành một hệ thống camera tập trung. Ngoài các tính năng cơ bản phục vụ giám sát giao thông, an ninh trật tự..., hệ thống camera giám sát tập trung còn được bổ sung tính năng nâng cao như: nhận dạng khuôn mặt, hành vi, hành động, quản lý đám đông, truy tìm dấu vết phương tiện, đo đếm mật độ lưu thông, đếm số lượng phương tiện; phát hiện và nhận diện âm thanh, tiếng nổ; nhận diện khói, đám cháy thông qua hình ảnh...

Ngoài ra, các thông tin hoạt động quan trọng của các lĩnh vực chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị, kinh tế - tài chính… đều được giám sát liên tục qua các chỉ số điều hành, đánh giá, tổng hợp, báo cáo cho lãnh đạo TP.HCM.

 

Nguồn: Báo Thanh niên Online
Lượt xem: 70548
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin