image Báo chí Thông tin tuyên truyền
VIỆT NAM VÀ MỘT ASEAN Ở TRÁI TIM CỦA CHÂU Á NĂNG ĐỘNG
Thứ 6, Ngày 03/01/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

Năm 2020 đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gắn bó cùng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong suốt quá trình tham gia hội nhập, Việt Nam cùng các quốc gia thành viên ASEAN luôn nỗ lực hết mình vì sự phát triển và lớn mạnh của Hiệp hội với ý thức nghiêm túc về tầm quan trọng trong chiến lược kiến tạo một Hiệp hội ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thống nhất, góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển ở khu vực.

Ba trụ cột

Có thể khẳng định rằng, qua hơn 50 năm hình thành, phát triển Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã và đang đạt được nhiều thành tích, thành tựu to lớn, qua đó mang lại cho các nước thành viên những lợi ích quan trọng của một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, một không gian hợp tác mở rộng.

Ngay từ năm 2010 trên cơ sở pháp lý của Hiến chương ASEAN, là một thành viên tích cực, Việt Nam đã chủ động cùng các nước thành viên thúc đẩy hợp tác, tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, mở rộng quan hệ đối ngoại nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN, cùng ASEAN đẩy mạnh liên kết khu vực hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh dựa trên 3 trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Sự phát triển lớn mạnh của ASEAN chính là thành quả của một cộng đồng các quốc gia không chỉ “chung một mái nhà” mà còn luôn đồng lòng, đồng chí hướng với mục tiêu gắn bó chặt chẽ và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ngay từ buổi đầu hình thành ý tưởng cho đến giai đoạn định hình chính sách, triển khai.

Riêng với Việt Nam, tham gia một tích cực cùng phát triển một khối ASEAN thịnh vượng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tâm thế của một quốc gia luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo trong tất cả hoạt động kết nối – giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên phạm vi quốc tế nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng.

Biểu trưng (logo) năm ASEAN 2020

Lộ trình mới

Được thành lập ngày 8/8/1967, trải hơn 50 năm tồn tại và phát triển, ASEAN hiện nay có thể được xem là tổ chức liên chính phủ hội tụ cả 10 quốc gia Đông Nam Á phát triển năng động, hợp tác rộng khắp, nội dung bao trùm, quan hệ phong phú là động lực chính, là lực lượng trung tâm trong các tiến trình khu vực .

Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực từ 15/12/2008, là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của ASEAN thiết lập một cơ sở pháp lý vững chắc, một bộ máy làm việc khoa học, một cơ chế hợp tác vững vàng cho ASEAN tiến tới cộng đồng.

Từ 1/1/2020, Việt Nam sẽ tiếp nhận vị trí Chủ tịch ASEAN. Có thể nói rằng 2020 là năm mang ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Với ASEAN, đây là năm bản lề kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN.

Được thành lập ngày 8/8/1967, đến nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức liên chính phủ hội tụ cả 10 quốc gia Đông Nam Á phát triển năng động, hợp tác rộng khắp, nội dung bao trùm, quan hệ phong phú là động lực chính, là lực lượng trung tâm trong các tiến trình khu vực.

Tại buổi họp báo công bố Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức vào hôm 18/12 tại Hà Nội, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định rằng Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm, với sự thành lập Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018. Theo đó, công tác chuẩn bị về các mặt như nội dung, lễ tân, vật chất - hậu cần, tuyên truyền - văn hóa, an ninh - y tế... đã được khẩn trương triển khai.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục tiến hành tham vấn trong ASEAN và các đối tác về nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN. Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020”, báo Nhân dân dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao cho biết.

Theo lời Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng từng nhấn mạnh, Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 là trách nhiệm to lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam sẽ dành quyết tâm ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, vững mạnh, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn... của mình, qua đó tích cực đóng góp vào những thành tựu chung của ASEAN.

Dấu ấn mang tên Việt Nam

Có thể khẳng định rằng, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myamar mặc dù phải đối mặt với không ít lực cản. Hay nói một cách toàn diện và công tâm thì Việt Nam đã trở thành cây cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia thành viên đã trở thành hiện thực.

Bỏ lại sau lưng quá khứ đối đầu và nghi kỵ, Việt Nam đã cùng ASEAN chứng minh rằng tương lai của khu vực sẽ được định hình tốt hơn bằng con đường hội nhập, đối thoại và hợp tác.

Về mặt chiến lược, việc cùng các nước thành viên chủ động “lái” ASEAN đi đúng hướng là đóng góp lớn nhất của Việt Nam. Ở đây có thể kể đến dấu ấn Việt Nam trong các văn kiện quan trọng của Hiệp hội như Tầm nhìn 2020, các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, Hiến chương ASEAN, cùng các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột Cộng đồng, Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về thu hẹp khoảng cách phát triển, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC)…

Chưa dừng lại ở đó, Việt Nam đặc biệt đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng, thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và đối tác quan trọng. Đơn cử, trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc, Canada thể hiện Việt Nam có tầm nhìn chiến lược vượt ra ngoài khu vực.

Với Việt Nam, việc xây dựng củng cố ASEAN luôn hướng đến mục tiêu kiến tạo một sân chơi khu vực và vì lợi ích toàn cầu.

Quá trình tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực. Trước hết, việc gia nhập ASEAN đã góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Suốt 25 năm qua, Đông Nam Á là một trong số ít khu vực trên thế giới không xảy ra chiến tranh nóng hoặc xung đột quy mô lớn. Đứng trong ASEAN, Việt Nam cũng có thêm điều kiện tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong và ngoài khu vực nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh phát triển của đất nước, trong việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

ASEAN cũng là sân chơi đầu tiên để Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước sao cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Có thể nói, nếu không có thành công từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các Đối tác, thì rất khó có thể có một Việt Nam chủ động, tự tin tham gia các sân chơi lớn hơn như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (RCEP) RCEP cùng một loạt các FTA lớn với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á-Âu… Qua đó, chúng ta đã mở rộng thị trường, tăng cường thu hút đầu tư, tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại phục vụ cho phát triển đất nước. Điều đáng chú ý là suốt 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN và Việt Nam luôn ổn định, cao hơn tốc độ trung bình của thế thế giới khoảng 2 điểm phần trăm, kể cả trong những giai đoạn khủng hoảng.

Như lời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN là chất xúc tác góp phần nâng cao giá trị chiến lược của Việt Nam, tăng cường quan hệ song phương của chúng ta với các đối tác ngoài ASEAN nhất là các nước lớn.

Một năm 2020 đầy kỳ vọng, thành công đang sẵn sàng nhập cuộc cùng Việt Nam, cùng ASEAN đoàn kết “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Nguồn: Phòng Báo chí 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 7585
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Tin mới hơn
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin