image Tin hoạt động Công nghệ thông tin
TP.HCM VÀ LOẠT ỨNG DỤNG THÔNG MINH PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN
Thứ 2, Ngày 17/02/2020, 00:00 SA Cỡ chữ Màu chữ image

UBND TP.HCM vừa tổ chức hội nghị triển khai Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện vào chiều ngày 14/2/2020.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, xây dựng đô thị thông minh phải được hiểu đầy đủ, chính xác là bám sát mục tiêu hướng đến phục vụ người dân, mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền.

Có thể khẳng định rằng, trong 4 mục tiêu chính của Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025,có 2 mục tiêu: Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức đã và đang được chính quyền Thành phố hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp thực tế, căn cơ và hiệu quả.

Với chủ thể là người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào các quá trình giám sát, quản lý và xây dựng Thành phố. Người dân chính là “trung tâm” phục vụ của đô thị thông minh, của một TP.HCM luôn đi đầu, luôn không ngừng đổi mới cách nghĩ, sáng tạo cách làm trong quá trình triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng.

Trong tháng 2 và 3/2020, Trang Hoạt động thông tin đối ngoại TP.HCM trân trọng giới thiệu loạt giải pháp ứng dụng công nghệ đang được cung cấp cho người dân Thành phố, và đây có thể được xem là những dịch vụ "thông minh" đầu tiên của chính quyền Thành phố.

Phản ánh an ninh trật tự & tra cứu hồ sơ hành chính trực tuyến

Sau giai đoạn thử nghiệm và thành công bước đầu của ứng dụng Bình Thạnh trực tuyến, cùng với những góp ý thiết thực nhận được từ cộng đồng người dân – công chức trực tiếp sử dụng, ngay từ giữa năm 2018, hầu hết quận – huyện trên địa bàn TP.HCM cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã chủ động phối hợp xây dựng, triển khai các phần mềm có tính năng tương tự cho từng địa bàn cơ sở (quận – huyện).

Đến nay, các phần mềm/tiện ích chạy trên thiết bị thông minh (App) như Quận 9 trực tuyến, Thủ Đức trực tuyến, Quận 10 online, Phú Nhuận trực tuyến, Quận 7 trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến,…. dần trở thành công cụ gần gũi với người dân tại các địa phương để nhanh chóng “trao đổi” với chính quyền sở khi có nhu cầu phản ánh các vi phạm về an ninh – trật tự, xây dựng tại địa bàn cũng như tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ hành chính (ví dụ giấy phép xây dựng,….), tra cứu thông tin quy hoạch.

Ứng dụng Thủ Đức trực tuyến cung cấp khá nhiều công cụ giúp chính quyền tương tác trực tuyến với người dân, tổ chức trên địa bàn

Về cơ bản, các ứng dụng/tiện ích này đều được cung cấp miễn phí cho hai nền tảng điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) thông dụng là Android và iOS thông qua App Store hay Google Play.

Trên các app dạng này, người dân có thể chụp ảnh khu vực cần phản ánh có tình trạng, hành vi vi phạm an ninh trật tự, đính kèm thông tin như địa chỉ vi phạm, diễn giải chi tiết… và sau đó nhấn gửi cho trung tâm. Tùy quy định của từng địa phương, thông tin phản ánh của người dân sẽ ngay lập tức được chuyển đến phường có vi phạm thông qua các ứng dụng nội nghiệp, sau đó các lực lượng chức năng sẽ trực tiếp xuống địa bàn xử lý, ghi nhận sự việc và có thông báo lại ngay trên app để người dân giám sát.

Ưu điểm của các app trực tuyến là sự chủ động thông tin, giảm thiểu thời gian người dân đến cơ quan qản lý nhà nước để sử dụng dịch hành chính công.

Với chức năng nộp trực tuyến và tra cứu tiến độ hồ sơ hành chính, bên cạnh việc được cung cấp trực quan các biểu mẫu và hồ sơ cần thiết, trong thời gian chờ nhận kết quả/phản hồi, người dân chỉ cần quét mã vạch hay nhập mã số biên nhận để biết khi nào hồ sơ được hoàn thành xử lý, và đến văn phòng (quận/phường) nhận lại, ví dụ giấy phép xây dựng, xác nhận quy hoạch.

Đáng chú ý, một số app như Thủ Đức trực tuyến còn chủ động cung cấp cho người dân, tổ chức một công cụ đánh giá sự hài lòng về các dịch vụ hành chính công được cung cấp, thậm chí phản ánh cụ thể hồ sơ nào trễ hạn.

Mở smartphone, né kẹt xe

Được chính thức triển khai từ đầu tháng 1/2017, Cổng thông tin giao thông TP.HCM trên nền tảng bản đồ số trực tuyến thông qua địa chỉ giaothong.hochiminhcity.gov.vn, và ứng dụng di động TTGT TPHCM là minh chứng cho thấy sự tiên phong của Thành phố trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào triển khai giải pháp hỗ trợ người dân.

Cụ thể, khi truy cập website giaothong.hochiminhcity.gov.vn hay sử dụng ứng TTGT TPHCM do Sở GTVT Thành phố trực tiếp vận hành, người dân được cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình hình giao thông tại địa điểm cần di chuyển đến hay vị trí hiện tại (thông qua GPS của thiết bị thông minh đang sử dụng), thông tin tiện ích, công cụ tìm đường, vị trí rào chắn đang thi công, vị trí nhà vệ sinh công cộng, vị trí trạm xăng, trạm y tế, bệnh viện…

Đô thị thông minh giúp người dân có được những công cụ hữu ích, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn

Không chỉ vậy, người dân còn có thể thông báo tình trạng kẹt xe đến trung tâm điều phối hệ thống bằng cách điền thông tin vào mục Góp ý trên cổng thông tin hay ứng dụng đang sử dụng trên smartphone hay tablet.

Với ứng dụng TTGT TPHCM, khi xem tình trạng kẹt xe, các đoạn đường đang lưu thông chậm trên bản đồ sẽ được chỉ báo bằng vệt màu đỏ. Những đoạn không kẹt xe sẽ được tô màu xanh. Bên cạnh đó, các khu vực đang có kẹt xe cũng được cảnh báo bằng các ô nhỏ đặt phía dưới giao. Để có được thông tin chính xác, ứng dụng TTGT TP.HCM sẽ dựa vào vị trí hiện tại của người dùng smartphone để hiển thị bản đồ khu vực chung quanh, cho biết có kẹt xe hay không. Để quan sát tình hình giao thông qua camera, người dùng có thể chọn các biểu tượng camera trên ứng dụng hay nhấn vào mục Camera trên website. Hình ảnh cung cấp từ máy quay gần như được hiển thị theo thời gian thực, với độ trễ chỉ vài phút. 

 

Giao diện ứng dụng TTGT TPHCM

Nhìn chung, với ứng dụng TTGT TPHCM, người dân có thể nhanh chóng tra cứu lộ trình thuận tiện cho chuyến đi của mình bởi các điểm ù ứ giao thông đều được cập nhật tức thời, kèm theo đó là một số tính năng hữu ích khác liên tục được Sở GTVT Thành phố cập nhật.

Ứng dụng TTGT TPHCM có đồng thời phiên bản cho hệ điều Android lẫn các dòng điện thoại iPhone.

Hết lo dính triều cường

Là một trong những ứng dụng ”thông minh” hướng đến phục vụ người dân TP.HCM được triển khai từ rất sớm – tháng 5/2017, UDI Maps là cổng thông tin hai chiều giữa nhà quản lý và người sử dụng về tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.      

Ứng dụng UDI Maps do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM triển khai và phát hành rộng rãi miễn phí cho nền tảng điện thoại thông minh Android và iOS.

Sau khi cài đặt ứng dụng UDI Maps thông qua Google Play Store và App Store, người dùng sẽ được cập nhật thông tin mới nhất và những cảnh báo liên quan tình hình triều cường, ngập lụt, lượng mưa hiện trạng cũng như dự báo khả năng ngập do mưa trên các tuyến đường trên địa bàn Thành phố.

Từ đó, người dân có thể chọn cho mình cách di chuyển hợp lý, an toàn trong mùa mưa.

Cụ thể, UDI Maps sẽ thông báo chi tiết về điểm ngập nước, độ sâu, phạm vi ngập nước (từ đoạn đường A tới B) và thời điểm dự kiến sẽ hết ngập. Các cảnh báo về điểm ngập nước sẽ được cập nhật liên tục qua ứng dụng này hoặc chỉ đơn giản là các mẩu tin ngắn cảnh báo ngập nước trên một số tuyến đường.

Các thông tin dự báo sớm về tình trạng ngập úng cũng sẽ được tính toán từ mô hình thủy lực thoát nước dựa trên các thông tin dự báo mưa và triều cường. Ngoài ra, ứng dụng này còn giúp người dùng chọn hướng đi hợp lý để tránh ngập thông qua chức năng tìm đường. Người dùng chỉ cần nhập địa chỉ xuất phát và điểm đến, màn hình điện thoại sẽ hiển thị hình ảnh tuyến đường đi và hướng dẫn lộ trình cụ thể.

Giao diện ứng dụng UDI Maps

Ứng dụng cũng là kênh thông tin hai chiều giữa Công ty thoát nước đô thị Thành phố với người dân. Khi đó, người dân khi tham gia giao thông cũng sẽ cung cấp thông tin thực tế về các điểm ngập nước, triều cường gây ra kẹt xe về cho hệ thống quản lý thoát nước đô thị. Những thông tin cảnh báo kịp thời sẽ giúp cơ quan quản lý thoát nước đô thị đưa ra các giải pháp ứng cứu nhanh và phù hợp tình hình thực tế, góp phần giảm thiệt hại khi xảy ra ngập úng.

Ngoài ra, UDI Maps cũng được kết nối với hệ thống giám sát tình hình ngập nước thông qua mạng lưới camera được lắp đặt tại một số khu vực bằng cách ghi nhận thông tin thời điểm mưa lớn gây ngập, mức độ ngập nước và gửi hình ảnh về trung tâm để kịp thời đưa ra các phương án ứng phó hiệu quả, đồng thời cập nhật vào ứng dụng để người dân tham khảo.

Ngồi nhà, tra thông tin quy hoạch

Trong nhiều cuộc họp về triển khai xây dựng đô thị thông minh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến luôn khẳng định rằng “Công bố thông tin quy hoạch trên Internet là một phần của Đề án đô thị thông minh”.

Trên tinh thần đó, từ đầu năm 2018, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã giới thiệu ứng dụng "Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh" nhằm cung cấp thông tin quy hoạch đô thị trong Thành phố đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp một cách trực tuyến thông qua ứng dụng web và ứng dụng trên thiết bị di động thông minh.

Ở thời điểm vừa ra mắt, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Ban chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh TP.HCM đều tin tưởng rằng “ứng dụng này cũng sẽ là nền tảng để phát triển những ứng dụng khác liên quan công tác quản lý về quy hoạch và xây dựng trong thời gian tới”.

Tất cả thông tin quy  hoạch đều được công khai trên ứng dụng để người dân tra khảo

Thông tin quy hoạch được cung cấp trên ứng dụng "Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh" là Quy hoạch sử dụng đất trong hồ sơ quy hoạch phân khu được phê duyệt trên địa bàn Thành phố (24 quận huyện). Ứng dụng cung cấp bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 dạng bản giấy có đóng dấu phê duyệt được sao chụp (scan) và sắp xếp thống nhất vào hệ tọa độ VN2000.

Để sử dụng ứng dụng trên máy tính, người dân truy cập trực tiếp vào trang web http://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/. Tiếp đến, mở chức năng bản đồ trực tuyến, chọn vị trí khu đất muốn xem thông tin quy hoạch. Về cơ bản, ứng dụng cho phép hiển thị theo hai loại nền bản đồ và nền vệ tinh;hai loại bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 là bản đồ giấy và bản đồ số.

Có nhiều lớp bản đồ để người dân tham khảo thông tin quy hoạch cho từng vị trí số nhà, lô/thửa đất

Thông qua ứng dụng này, người dân TP.HCM giờ đây có thể dễ dàng xác định vị trí của khu đất thông qua việc nhập tọa độ của khu đất (các thông số này có thể tìm thấy trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc bản đồ hiện trạng vị trí khu đất) hoặc xác định vị trí khu đất thông qua định vị GPS có sẵn trong thiết bị di động thông minh.

Ngoài ra, người dùng thiết bị di động thông minh hệ điều hành Android và iOS cũng có thể tải ứng dụng "Thông tin quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh" để xem thông tin quy hoạch Thành phố. Cách thức sử dụng cũng tương tự như xem trên web, nhưng việc chọn và nhấn vào lô đất cần xem thông tin khá dễ dàng hơn nhờ thao tác trên màn hình cảm ứng.

Sau khi xác định vị trí, người dùng có thể xem trực tiếp hoặc tải thông tin quy hoạch bằng chức năng tải xuống. Người dùng có thể tải về bản đồ quy hoạch và quyết định phê duyệt quy hoạch để tham khảo một cách cụ thể hơn. Hiện nay, ứng dụng hỗ trợ gửi thông tin thông qua email. Nội dung thông tin quy hoạch cung cấp thông qua ứng dụng là các hồ sơ quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có đầy đủ căn cứ pháp lý để áp dụng.

Riêng tại quận 12, nếu như thông tin quy hoạch được tích hợp vào ứng dụng như Thủ Đức trực tuyến, Nhà Bè trực tuyến,… thì đơn vị này triển khai một ứng dụng độc lập chỉ dành hỗ trợ người dân tra cứu thông tin quy hoạch, cũng như thực hiện một số dịch vụ hành chính công liên quan.

Được biết, quận 1 và quận 12 là hai quận đầu tiên ở TP.HCM thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Báo SGGP ngày 15/2/2020 dẫn lời Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết, sau 2 năm triển khai, quá trình xây dựng đô thị thông minh ở địa bàn trung tâm của trung tâm TPHCM đã có kết quả bước đầu. Đô thị thông minh tại quận 1 với mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh, gồm: camera an ninh thông minh; PCCC thông minh; quản lý đô thị thông minh; quản lý giáo dục thông minh; y tế thông minh; du lịch thông minh; dịch vụ công trực tuyến; điều hành an toàn thông tin mạng.

Trong đó, quận 1 triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “tiếp nhận đăng ký không giấy” trên nhiều lĩnh vực. “Thủ tục dịch vụ công trực tuyến được rút gọn. Người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để “đăng ký giải quyết thủ tục hành chính” và gửi các thành phần hồ sơ theo yêu cầu. Người dân không phải nộp bất kỳ giấy tờ liên quan; các hồ sơ sẽ được phòng chuyên môn in sẵn, chuyển đến người dân ký xác nhận, cùng với kết quả được giải quyết. Người dân từng bước thay đổi thói quen, chuyển từ hình thức nộp hồ sơ trực tiếp sang nộp hồ sơ trực tuyến”, theo ông Nguyễn Văn Dũng nhận xét nhờ đó lượng hồ sơ trực tuyến năm 2019 trên địa bàn quận tăng gấp 4 lần so với năm 2018.

Tại quận 12, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, quận đẩy mạnh các hoạt động tương tác với người dân qua môi trường điện tử. Trung tâm hành chính quận được phủ sóng Wi-Fi cung cấp internet miễn phí cho người dân tới làm việc. Phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC) giúp người dân có thể theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết một cách tức thời. Đến nay, phần mềm đã hỗ trợ giải quyết gần 57.000 hồ sơ của người dân. Quận đã đưa vào sử dụng Dịch vụ công trực tuyến với 18 thủ tục thuộc các lĩnh vực.

Đáng chú ý, quận 12 hiện còn ứng dụng ảnh viễn thám trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép.

 (còn tiếp)

Nguồn: Phòng Báo chí – Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

 

 

Trần Minh Tài
Lượt xem: 38501
Bản in Xuất tập tin Quay lại
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin